Sau 2 ngày khai thác thương mại đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, rất đông người dân xếp hàng từ sáng sớm để đi tàu. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 khi mà số ca trong cộng đồng tại Hà Nội đang tăng cao.
Theo thống kê từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), trong ngày 7/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đã vận hành 141 lượt tàu, vận chuyển 54.121 lượt khách đi trải nghiệm, gấp đôi so với ngày đầu tiên.
Như vậy, trong 2 ngày đầu (6-7/11) tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành đã có xấp xỉ 80.000 lượt người dân đi trải nghiệm.
Liên quan đến tình trạng người dân đổ về ga Cát Linh (quận Đống Đa) quá đông vào sáng qua (7/11), ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho hay, trước khi vận hành tàu Cát Linh-Hà Đông, công ty đã xây dựng phương án phòng chống dịch theo yêu cầu như khử khuẩn, quét mã QR đối với khách đi/đến, khuyến cáo 5K và gửi Sở Y tế Hà Nội.
Ông Trường cho biết tại 12 nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đều có bố trí các phòng cách ly tạm thời để thực hiện cách ly những hành khách có biểu hiện nghi nhiễm dịch trong thời gian chờ đợi cơ quan y tế đến triển khai các bước xử lý tiếp theo.
[Tàu trên cao Cát Linh-Hà Đông vẫn đông đúc trong ngày hoạt động thứ 2]
Theo thiết kế, mỗi toa tàu chứa được 240 hành khách, một chuyến tàu với 4 toa chứa được 960 hành khách/lượt vận hành. Thống kê cho thấy, lượng hành khách trong hai ngày đầu vẫn chưa vượt quá 50% công suất nên vẫn đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, trong ngày 7/1, vào lúc 9 giờ 30 đến hơn 11 giờ có hiện tượng khách đến sảnh tầng 1 ga Cát Linh quá đông, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, Metro Hà Nội đã tổ chức điều hành, phân luồng sử dụng các tấm chắn pano, căng dây và cột inox như tại các sân bay để tạo hành lang di chuyển, đảm bảo khoảng cách cho người dân xếp hàng, khai báo y tế, khử khuẩn trước khi lên tầng 2 để đi tàu.
“Khi nào lượng khách ở ke ga tầng 3 lên hết tàu thì mới để khách ở tầng 2 tiếp tục lên, giải tỏa tiếp khách tầng 2 sẽ bố trí khách ở tầng 1 lên. Bên cạnh đó, khách đi lên theo một luồng và đi xuống theo một luồng để tránh xung đột,” ông Trường thông tin thêm.
Đến sáng 8/11, lượng khách đi tàu vẫn đông nhưng đã giảm và ổn định hơn. Metro Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản, nếu trong trường hợp khách đông quá, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thì sẽ tạm thời đóng cửa nhà ga.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn chạy tàu, phía Metro Hà Nội khuyến cáo người dân với những trường hợp đi làm thì đi đúng khung giờ, còn những trường hợp đi trải nghiệm thì cố gắng tránh khung giờ cao điểm để hạn chế tập trung đông người./.