Hiện nay, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sử dụng rất nhiều cát, trong khi đó nguồn tài nguyên cát ngày càng cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, Đồng Tháp đã cố gắng cân đối để cung cấp cát cho công trình đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng như cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, đối với công trình cao tốc thì Đồng Tháp cam kết cung cấp 7,4 triệu m3 cát; trong đó có 2 tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là Cao Lãnh-An Hữu và Mỹ An-Cao Lãnh, tổng cộng khoảng 5,5 triệu m3.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng công suất khai thác mỏ cát hiện có thêm được 400 nghìn m3 và mở 2 mỏ khai thác cát mới với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Như vậy, tổng cộng 1,9 triệu m3 này Đồng Tháp sẽ cung cấp cho dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, năm 2022, Đồng Tháp cấp mới và gia hạn 17 giấy phép khai thác cát với trữ lượng gần 8 triệu m3, chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu thực tế của tỉnh vì đối với công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về cát khoảng 16 triệu m3.
Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp còn chỉ đạo ưu tiên cung ứng cát cho công trình đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ gần 1,3 triệu m3.
Trong năm 2023, Đồng Tháp thực hiện gia hạn 14 giấy phép khai thác cát với trữ lượng khoảng 1 triệu m3 và thời gian được gia hạn tới 30/6/2023. Nhu cầu về cát cho các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023 là gần 20 triệu m3.
Hiện, tình hình cát trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm nên việc phân bổ nguồn vật liệu này phải theo danh mục thứ tự ưu tiên cho dự án Trung ương giao, đến công trình trọng điểm của tỉnh và công trình phòng, chống sạt lở.
[Thủ tướng: Khẩn trương triển khai dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau]
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã tiến hành thăm dò trữ lượng cát, tích hợp đưa vào quy hoạch của tỉnh đến năm 2050, trữ lượng cát ở Đồng Tháp khoảng 33 triệu m3. Trữ lượng khoáng sản (trầm tích cát sông) trên sông Tiền và sông Hậu ngày càng giảm dần, các khu mỏ được cấp giấy phép khai thác đến nay trữ lượng còn lại trong từng khu mỏ rất ít và thực tế một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng, đạt cao trình cho phép theo quy hoạch đã phải dừng khai thác.
Các giấy phép đủ điều kiện được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép gia hạn khai thác cũng sẽ giảm dần trữ lượng trong thời gian tới.
Qua tổng hợp, nhu cầu cát của tỉnh giai đoạn 2023-2025 rất lớn, bao gồm nhu cầu sử dụng cát cho các công trình sử dụng vốn đầu tư công; nhu cầu sử dụng của người dân; nhu cầu của các dự án đầu tư tư nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, phần lớn nhu cầu cát phục vụ cho công trình sử dụng vốn đầu tư công, có nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn vay ODA. Thống kê sơ bộ, nhu cầu cát của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025 gần 30 triệu m3.
Trước tình hình thiếu hụt cát sông hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (kể cả các tỉnh không có dự án đi qua) rà soát, huy động nguồn vật liệu san lấp để cung cấp đáp ứng nhu cầu chung trong khu vực, hoặc cục bộ trong thời gian ngắn hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các cao tốc của Trung ương.
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương làm việc với Ủy ban Nhân dân các tỉnh có dự án của Trung ương đi qua địa bàn, có trách nhiệm rà soát (cấp mới, cấp lại giấy phép khai thác cát, đất), đảm bảo nguồn vật liệu cung ứng phục vụ công trình qua trên địa bàn tỉnh mình.
Cùng với đó là cần đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt (cát đồi, các nhiễm mặn, xỉ than...) để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp; rà soát, giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp, nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát nước ngọt./.