Tính đến 6 giờ ngày 7/8, Đồng Tháp ghi nhận 3.861 ca mắc COVID-19 ở 11/12 huyện, thành của tỉnh. Trước tình hình, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương cần tầm soát kỹ, kiểm soát chặt, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly, khu phong toả.
Đặc biệt, chỉ đạo ngành y tế chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị COVID-19.
Siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Ông Nguyễn Công Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, thông tin chỉ riêng trong ngày 6/8, qua kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 3 địa phương gồm thành phố Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, Châu Thành, một số khu vực chợ (như Chợ Tân Qui, Chợ Nàng Hai thuộc thành phố Sa Đéc và Chợ Cái Tàu Hạ thuộc huyện Châu Thành) còn để xảy ra tình trạng người dân trong khu vực chợ còn khá nhiều, chưa đảm bảo giãn cách giữa người mua, người bán trong khu vực chợ.
Ngoài ra, cùng ngày, các lực lượng chức năng cũng đã tiến hành xử phạt hành chính 183 trường hợp vi phạm các lỗi như không đeo khẩu trang và ra ngoài khi không thật sự cần thiết (169 trường hợp), tụ tập đông người (14 trường hợp), với tổng số tiền gần 560 triệu đồng.
Đặc biệt, theo phân tích số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 6/8 mức độ tuân thủ Chỉ thị 16 của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp về “Điểm dừng” và “Quãng đường di chuyển” được đánh giá ở vị trí thứ 10/20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, huyện Tân Hồng có mức độ di chuyển tăng 2 ngày liên tiếp vượt ngưỡng cảnh báo vàng; thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc duy trì mức độ tuân thủ ở tỷ lệ cao (38%).
[TP.HCM: Nhiều ca mắc COVID-19 nguy kịch được cứu sống ngoạn mục]
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Đồng Tháp đã qua 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội đợt 2, nếu không tiếp tục nghiêm khắc trong việc thực hiện Chỉ thị 16 thì mọi thứ chúng ta đang nỗ lực cố gắng khả năng sẽ trở về vị trí xuất phát, làm lại từ đầu.
Do đó, Đồng Tháp yêu cầu các địa phương phải tận dụng thật tốt thời gian vàng này làm cho thật nghiêm Chỉ thị 16, tuyệt đối không được phép có tâm lý lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Lê Quốc Phong cho rằng số lượng nhiễm trong các khu cách ly, khu vực phong tỏa trên địa bàn vẫn còn rất lớn.
Chỉ trong ngày 6/8, toàn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 141 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đã có hơn 50% số ca trong khu cách ly y tế tập trung (48 ca) và khu vực phong tỏa (32 ca).
Do đó, tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương phải tiếp tục quan tâm về việc quản lý, theo dõi nghiêm ngặt các quy định, yêu cầu hạn chế di chuyển, tiếp xúc trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Trước tình hình này, các địa phương phải rà soát, đánh giá để sớm có giải pháp khắc phục, xử lý, hướng đến mục tiêu giảm sâu số ca mắc.
Tập trung vào công tác điều trị
Ông Lê Quốc Phong cho biết tính đến 17 giờ ngày 6/8, tỉnh đang điều trị cho 2.659 ca mắc COVID-19, vì vậy ngành y tế phải tính toán đến kịch bản, phương án chi tiết để tổ chức, sắp xếp, phân luồng trong tình huống Đồng Tháp tiếp nhận 3.500 trường hợp F0.
Riêng, đối với các cơ sở đang thực hiện điều trị, cần chú trọng việc quản lý, theo dõi thông tin, tiến độ xét nghiệm, điều trị.
Liên quan đến nhân lực y tế để phục vụ cho công tác điều trị COVID-19, ông Lê Quốc Phong yêu cầu Sở Y tế tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng, năng lực của các cơ sở điều trị hiện hành. Từ đó, tổ chức tập huấn để nâng cao chuyên môn trong việc chẩn đoán, điều trị các ca F0; đồng thời, yêu cầu sắp xếp lại các nguyên tắc trong vận hành để phát huy tối đa vai trò của lực lượng y, bác sỹ trên địa bàn tỉnh, nhất là phục vụ cho công tác điều động, hỗ trợ cho các khu vực khác nếu cần.
Ông Tạ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 cho hay so với ngày 5/8, trong ngày 6/8, số ca điều trị giảm 22 ca (còn 2.659 ca), tỷ lệ ra viện cao gấp 3 lần (162 ca, cộng dồn là 1.117 ca); 6 bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tầng 3 (triệu chứng nặng) về điều trị tại bệnh viện tầng 2 (triệu chứng trung bình).
Tuy nhiên, vẫn còn 119 trường hợp nặng và rất nặng, trong đó có 3 ca tiến hành lọc máu liên tục, 16 ca thở máy xâm lấn.
Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin, để điều trị bệnh nhân COVID-19 hiệu quả, sáng 6/8, Sở Y tế phối hợp với Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Bộ Y tế) tại Đồng Tháp tổ chức tập huấn trực tuyến cho tất cả cán bộ y tế trong các cơ sở thu dung, điều trị F0, trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh về phác đồ điều trị của Bộ Y tế và hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở tầng 1 và tầng 2. Qua đó, hạn chế nguy cơ chuyển biến nặng phải chuyển viện.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, giảng viên chính của lớp tập huấn đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng như Đặc điểm của SARS-CoV-2, điều kiện phát sinh và nguy cơ lây truyền; các triệu chứng thường gặp và triệu chứng ít gặp của bệnh nhân; con đường xâm nhập và nhân virus trong tế bào.
Đáng lưu ý, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp còn cung cấp, hướng dẫn các bác sỹ điều trị bệnh nhân COID-19 về sử dụng thuốc điều trị, các biện pháp can thiệp; kiểm soát cytokine storm ở bệnh nhân (thuật ngữ khoa học miêu tả quá trình phản ứng dữ dội của hệ miễn dịch); tình trạng đông máu và tắc mạch; xử trí tổn thương trên phổi, thận.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, để hạn chế tử vong, bệnh nhân COVID-19 phải được kiểm soát sớm ngay từ đầu và phải làm tốt việc ngăn ngừa diễn biến bệnh nhân khó thở dẫn đến suy hô hấp, việc đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) cho bệnh nhân cũng là một trong những giải pháp giúp kiểm soát sớm suy hô hấp.
Đồng thời, bác sỹ Cấp cũng đề nghị Sở Y tế cần rà soát danh mục thuốc để phục vụ điều trị COVID-19 tại các bệnh viện, nâng cấp hệ thống xét nghiệm, chụp X-quang phổi.
Trước đó, ngày 25/7, 64 bác sỹ đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng đã được tập huấn “sử dụng máy thở cho bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2."./.