Dự án cao tốc từ Hà Tĩnh-Quảng Bình gặp khó về nguồn vật liệu cát

Các mỏ vật liệu cát xây dựng để phục vụ thi công 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn từ Hà Tĩnh-Quảng Bình cần sớm được nâng công suất trữ lượng khai thác nhằm đảm bảo tiến độ.
Dự án cao tốc từ Hà Tĩnh-Quảng Bình gặp khó về nguồn vật liệu cát ảnh 1Nguồn vật liệu cát thi công của 5 dự án cao tốc Hà Tĩnh-Quảng Bình vẫn đang thiếu và cần sớm bổ sung trữ lượng, công suất khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn từ Hà Tĩnh-Quảng Bình vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu mỏ cát xây dựng và cần sớm có giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ công trình.

Đối với tiến độ triển khai 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn từ Hà Tĩnh-Quảng Bình), theo báo cáo cập nhật của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, các địa phương đã bàn giao giải phóng mặt bằng được 189,43/259,12 km (đạt 73%), đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công.

Hiện tại, 5 dự án thành phần đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị được chia thành 9 gói thầu xây lắp. Trong đó, 8/9 gói thầu đã ký kết hợp đồng xây lắp, còn lại 1 gói thầu thuộc dự án Vũng Áng-Bùng dự kiến sẽ ký hợp đồng ngày 6/2/2023 do phải hoàn tất công tác thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy công trình hầm trên tuyến.

Với các gói thầu đã ký kết hợp đồng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, các nhà thầu đang lập kế hoạch triển khai, tổ chức khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ…. Một số gói thầu đã tổ chức triển khai thi công (đường công vụ, đào bóc hữu cơ, chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt trạm trộn.

Đối với vật liệu phục vụ thi công dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo tính toán, tổng nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường tại 5 dự án thành phần đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị gồm 7,2 triệu m3 đá; 3,2 triệu m3 cát và 13,65 triệu m3 đất đắp.

Dự kiến, các dự án sẽ sử dụng 33 mỏ đá với trữ lượng khoảng hơn 43 triệu m3; 41 mỏ cát với trữ lượng hơn 11 triệu m3; 21 mỏ đất với trữ lượng khoảng 23 triệu m3.

[Thủ tướng: Xử lý việc cấu kết găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng]

Theo đánh giá, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ 5 dự án thành phần nhưng về khả năng khai thác, cung ứng đối với vật liệu cát theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Thừa nhận hầu hết các mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công (25/41 mỏ), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ quan điểm, các dự án cao tốc từ Hà Tĩnh-Quảng Trị cũng cần được áp dụng cơ chế đặc thù để nâng công suất khai thác lớn hơn hoặc bằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới đáp ứng tiến độ dự án.

Trên cơ sở này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành của địa phương phối hợp với chủ đầu tư dự án, các nhà thầu thi công rà soát để nâng công suất các mỏ cát đang khai thác cần sử dụng cho dự án, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, phương án đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ khoáng sản được khai thác cho dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục