Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 mới bắt đầu khởi công trong thời gian qua trong khi Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành được hơn 2 năm. Vì thế, thời gian còn lại là cấp thiết.
Hiện, theo thống kê của Bộ Giao thông, mở rộng Quốc lộ 1 bao gồm 35 dự án trong đó đã khởi công được 17 dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), số còn lại sẽ được khởi công trong quý III năm nay.
“Bộ Giao thông đã đề nghị các địa phương quan tâm giải phóng mặt bằng bàn giao đúng tiến độ. Khi có đã có mặt bằng sạch, nhà thầu tiến hành thi công trong vòng 24 tháng sẽ xong các dự án trên,” Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Dẫn chứng cho điều này, hiện nay, hàng loạt các dự án vướng mặt bằng như: Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Cầu Nhật Tân, cao tốc Sài Gòn – Long Thành… đều chậm tiến độ thi công do liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng của đia phương.
“Thậm chí, tổng mức đầu tư của hầu hết dự án giao thông tăng lên cao là do giải phóng mặt bằng chậm,” Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng bày tỏ những quan ngại trong việc cung cấp nguồn vật liệu xây dựng để tiến hành thi công các dự án đang gặp nhiều khó khăn.
Chỉ rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Thăng cho rằng, các nguồn khai thác vật liệu địa phương đều giao cho doanh nghiệp khai thác. Các đơn vị thi công mua lại rất khó nên đã dẫn đến giá cao, chất lượng nguyên vật liệu không đảm bảo.
“Thậm chí, nhiều mỏ nguyên vật liệu nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Đơn vị khai thác dùng mọi cách để chèn ép, cá biệt có thể dính dáng đến xã hội đen để bắt chẹt nhà thi công,” Bộ trưởng Thăng tiết lộ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông đảm bảo an toàn giao thông cho các trục tuyến đường đang vừa khai thác và lưu thông.
Liên quan đến vấn đề tai nạn nghiêm trọng gia tăng, có diễn biễn phức tạp trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tai nạn gia tăng là do sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt.
Chứng minh cho thực tế trên, người đứng đầu ngành giao thông đưa ra ví dụ, nhiều địa phương có mật độ giao thông dày nhưng tai nạn lại giảm sâu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Bình.
“Cơ sở hạ tầng, các văn bản quy phạm pháp luật, tuần tra kiểm soát thì các địa phương trên đã tập trung kiểm soát tải trọng xe đồng thời đã chấn chỉnh không cho tình trạng dung túng bao che, bảo kê để cho lái xe chạy vượt tốc độ mà không bị sao,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh hư hỏng kết cấu mặt đường, Bộ trưởng Bộ Giao thông cho hay, hiện nay, Bộ Giao thông đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm.
“Nhiều địa phương cũng ‘than’, nếu xe chạy đúng tải trọng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương,” Bộ trưởng Thăng cho biết.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí đầy đủ vốn đối ứng, ODA để tập trung hoàn thành công trình, ngân hàng điều chỉnh tiêu chí cho doanh nghiệp vay vốn, hạ lãi suất tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp cận đủ vốn./.