Dự án "treo" đường sắt Yên Viên-Cái Lân: Gỡ khó cho người dân

Có rất nhiều hộ dân đã bị thu hồi gần hết diện tích đất hiện có để phục vụ dự án, tuy nhiên lại không được đền bù nên họ không có nguồn tài chính để mua đất ở nơi khác.
Dự án "treo" đường sắt Yên Viên-Cái Lân: Gỡ khó cho người dân ảnh 1Ông Vũ Văn Miện, khu Vĩnh Trung, phường Mạo Khê thị xã Đông Triều khổ sở vì nhà đã xuống cấp nhưng dự án treo, gia đình chưa được nhận tiền đền bù để mua nơi khác. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên-Cái Lân bị đình hoãn nhiều năm đã kéo theo nhiều bất cập, giải phóng mặt bằng dở dang, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường, gây khiếu kiện kéo dài.

Trong khi đó, dự án đã chi khoảng hơn 4.000 tỷ đồng triển khai. Tại Quảng Ninh với trên 3.600 hộ bị ảnh hưởng, dự án đã chi trả được trên 106 tỷ đồng cho đến năm 2019.

Dự án dừng triển khai quá lâu không chỉ làm đình trệ cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn ngân sách khi hàng nghìn tấn vật liệu được tập kết nằm "đắp chiếu" chịu cảnh rỉ sét.

Bất cập vì dự án “treo” quá lâu

Bên cạnh những tồn tại khi người dân không được thực hiện các quyền trên đất của mình trong thời gian dự án “treo” thì phía chính quyền, cơ quan chuyên môn cũng gặp những khó khăn về mặt quản lý và giải quyết vướng mắc của người dân.

Do dự án đang triển khai dở dang, quá trình kiểm đếm, đo đạc, bồi thường giải phóng mặt bằng cũng bị dừng lại. Trong hơn 3.600 hộ dân mới có trên 1.600 hộ được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền.

Trên 500 hộ đã được phê duyệt nhưng chưa được nhận tiền; trên 1.200 hộ nằm trong ranh giới giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt. Trong khi đó, dự án kéo dài, vật giá đều thay đổi, trượt giá dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt.

[Hàng nghìn hộ dân “sống mòn” bên dự án đường sắt Yên Viên-Cái Lân]

Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết dự án mới thực hiện kiểm đếm từ năm 2009, đến năm 2011 thì dừng.

Toàn thị xã có 1.372 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó có 902 hộ được phê duyệt, còn lại trên 400 hộ. Dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và tình hình an ninh chính trị.

Hiện nay trên 400 hộ dân chưa được phê duyệt nhưng vẫn không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất, không chia tách để cho, tặng con cháu và cũng không được xây dựng nên người dân nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên, những khó khăn này vẫn không thể tháo gỡ.

Mặt khác, đối với quỹ đất giải phóng mặt bằng trong dự án đã có hiện tượng tái lấn chiếm. Tuy nhiên, vì dự án chưa triển khai tiếp nên rất khó khăn trong quản lý.

Dự án này triển khai trước khi có Luật Đất đai năm 2013. Sau năm 2013 Luật đã có hiệu lực, các thủ tục thu hồi đất, cơ chế chính sách đã thay đổi nhiều.

Do vậy, khi tái triển khai dự án cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân và cơ quan chuyên môn. Các phần việc cơ bản phải làm lại từ đầu, xây dựng lại toàn bộ cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, ông Lương phân tích thêm.

Dự án kéo dài chưa được triển khai thực hiện nên thời gian qua không có hoạt động nào trên tuyến đường sắt này. Bởi vậy, nhiều hạng mục xuống cấp.

Các thanh tà vẹt bị nứt vỡ, ốc bị cạy phá, mất cắp, ảnh hưởng đến chất lượng của tuyến. Hàng tấn vật liệu trị giá hàng trăm tỷ đồng phơi mưa nắng nhiều năm qua đã hoen rỉ.

Vẫn cần cơ chế 

Theo ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, trong phạm vi của dự án trước kia có vạch chỉ giới giải phóng mặt bằng, tuy nhiên có thêm chỉ giới hành lang an toàn đường sắt.

Dự án "treo" đường sắt Yên Viên-Cái Lân: Gỡ khó cho người dân ảnh 2Chị Dư Thị Hợp, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí mỗi lần mưa là phải đặt chậu hứng nước, nhà cửa nhếch nhác vì không sửa chữa hay xây mới được. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Từ chỉ giới giải phóng mặt bằng trở ra là 10m, nhưng theo quy định của Luật Xây dựng, trong phạm vi hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật người dân không được xây dựng công trình mới.

Nên vạch chỉ giới hành lang an toàn không có hỗ trợ đền bù cho người dân là thiệt hại cho người dân khi nằm trong phạm vi của dự án.

Có rất nhiều hộ dân đã bị thu hồi gần hết diện tích đất hiện có để phục vụ dự án, tuy nhiên lại không được đền bù nên họ không có nguồn tài chính để mua đất ở nơi khác và phải ngậm ngùi chịu cảnh “thiệt đơn, thiệt kép.”

Ông Trần Văn Nhuần ở tổ 36C, khu 10 phường Quang Trung, thành phố Uông Bí trăn trở, hành lang đường sắt trước kia chỉ 7m, hiện tại là 15m nhưng nhà ông bị cắm cọc mốc giới vào sâu trong đất tới 25m.

Diện tích đất còn lại rất ít, không thể làm nhà cho 3 gia đình nhỏ sống cùng nhau. 

Trong khi đó, gia đình chưa nhận bồi thường nên đến đời con cháu của ông Nhuần cũng không có nhà để ở. Ông Nhuần đề nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng về giới hạn hành lang bị thu hồi và có cơ chế để hỗ trợ người dân khi họ bị thu hồi quá nhiều diện tích để đảm bảo chỉ giới hành lang an toàn đường sắt.

Mặc dù hiện nay, để đảm bảo các hộ dân có nhà để ở, chính quyền địa phương vẫn rà soát và làm cam kết, đánh giá hiện trạng cho các hộ có nhu cầu sửa chữa để giải quyết chế độ chính sách sau này.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, không khắc phục triệt để, người dân phải sửa chữa nhiều lần khiến đã khó càng thêm khó.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chia sẻ khi triển khai dự án này, người dân Quảng Ninh rất phấn khởi, tin tưởng sẽ tạo ra hệ thống giao thông mới, nâng cấp đồng bộ với hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển... tại địa phương.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ thì dự án mới chỉ thi công các hạng mục điểm dừng kỹ thuật.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, với 1 dự án kéo dài đã 17 năm và tới đây tiếp tục đợi đến giai đoạn 2026-2030 là quá dài. Nguồn lực đã bỏ ra nhưng dự án bị dừng, "giãn" dẫn đến vật tư, thiết bị có giá trị hàng trăm tỷ đồng phải đắp chiếu, làm ứ đọng nguồn vốn, hư hỏng, mất khối lượng.

Người dân đã phải dừng lại các hoạt động xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng để phục vụ dự án... Hàng loạt khó khăn, bất cập hiện hữu và vẫn tiếp tục kéo dài...

Do đó, bà Hà kiến nghị, ở khu vực đã quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, cam kết với người dân về tiến độ; phải có thông tin rõ ràng để nhân dân, cử tri biết được lộ trình thực hiện dự án.

Trong thời điểm chưa triển khai phải có hướng dẫn nhất định để người dân có thể cải tạo nhà ở, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng đời sống người dân trong khu vực dự án.

Dự án phục vụ cho liên kết giao thương vùng là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, với việc kéo dài gần hai thập niên và có thể dài hơn nữa đã gây lãng phí tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đời sống dân sinh. Do vậy, chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần sớm có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho người dân./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục