Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 3/10 cho biết có rất nhiều sự khác biệt về lập trường giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về mối quan hệ trong tương lai với Anh, sau khi nước Anh rời EU.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Mahmond nêu rõ không phải toàn bộ 27 nước thành viên còn lại trong EU đều chung quan điểm về quan hệ kinh tế, thương mại với Anh trong tương lai.
Một số nước đã có các cuộc trao đổi riêng với Anh và khẳng định vẫn tiếp tục muốn các mối quan hệ thương mại với Anh như hiện nay.
Tại đại hội thường niên của đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh đang diễn ra ở thành phố Birmingham, miền Trung nước Anh, các nhà lãnh đạo của đảng này đã tập trung thảo luận về vấn đề nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May cho biết hơn 3 tháng sau cuộc trưng cầu ý dân tại Anh hôm 23/6, bà đang phải đối mặt với nhiều sức ép phải công bố cụ thể tiến trình đưa Anh rời EU.
Thủ tướng May khẳng định Anh sẽ khởi động chính thức tiến trình rời EU trước tháng 4/2017.
Theo bà, việc chưa "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - thủ tục chính thức đầu tiên cho việc rút khỏi EU, trước tháng 4/2017, là để Anh có thời gian chuẩn bị tốt hơn cho tiến trình này.
Cũng theo nữ Thủ tướng Anh, sau khi London chính thức thông báo rời EU, việc quyết định tiến trình thương lượng diễn ra thế nào tùy thuộc vào EU.
Trước đó, nhiều cựu bộ trưởng phe bảo thủ đã gửi bản đề xuất yêu cầu Thủ tướng Anh thể hiện rõ quan điểm "chủ động hay thụ động" khi tiến hành thương lượng với EU và khẩn trương tiến hành các thủ tục rời khỏi khối này.
Hiện, các chính khách đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ. Một số người chủ trương thực hiện "Brexit cứng rắn", theo đó muốn tiến hành nhanh chóng, rõ ràng các thủ tục rời EU, ngăn chặn người di cư và rút ra khỏi thị trường chung. Một số khác chủ trương "Brexit mềm mỏng," sẵn sàng ở lại thị trường chung và vẫn mở cửa đón người di cư từ các nước châu Âu.
Một số nhà bình luận cho rằng việc có tới gần 1/3 số thành viên trong nội các là những người ủng hộ Brexit, trong đó có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng, sẽ tạo thuận lợi cho Thủ tướng May thực hiện nguyện vọng của đa số cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua./.