Đưa container xét nghiệm lưu động tới các điểm nóng về dịch COVID-19

Phòng xét nghiệm container an toàn sinh học cấp độ 2 là sản phẩm được thiết kế và thi công bởi nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Viện Vệ sinh dịch tễ TW, được tài trợ bởi VPBank.
Đưa container xét nghiệm lưu động tới các điểm nóng về dịch COVID-19 ảnh 1Bên trong container xét nghiệm lưu động. (Nguồn: moh.gov.vn)

Thời gian qua, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc thiết kế và thi công 5 container xét nghiệm COVID-19 lưu động nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với ngành Y tế.

Đây là thiết bị được đánh giá là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các container xét nghiệm sẽ được chuyển đến những điểm nóng về dịch bệnh trên cả nước, hứa hẹn đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch.

Phòng xét nghiệm container an toàn sinh học cấp độ 2 là sản phẩm được thiết kế và thi công bởi nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, được tài trợ bởi Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank).

Thiết kế được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, với nhóm tác giả gồm: ông Nguyễn Hữu Tú (Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam), bà Trịnh Thị Thanh Hương (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), ông Phạm Anh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec) và được cam kết chia sẻ rộng rãi cho tất cả các địa phương, tổ chức để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

[Bổ sung hơn 48 tỷ đồng mua xe xét nghiệm COVID-19 lưu động] 

Đến nay, 5 container xét nghiệm lưu động đã được hoàn thành với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, hai container đã được tăng cường cho tỉnh Phú Yên và Thành phố Hồ Chí Minh.

Container xét nghiệm lưu động được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phù hợp với yêu cầu phòng xét nghiệm do Bộ Y tế quy định, với hệ thống áp lực âm ngăn virus, hệ thống tủ an toàn sinh học để ngăn chặn virus lây nhiễm cho người xét nghiệm, Bộ lọc HEPA ngăn chặn sự phát tán của virus, hệ thống xử lý nước thải cũng như hệ thống cấp điện lưu động cùng hệ thống bàn ghế thí nghiệm, giá đỡ chống rung, lò hấp tiệt trùng, tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.

Ưu điểm của mô hình này là thuận tiện di chuyển, có thể đưa đến bất kỳ địa điểm nào trên cả nước (khu công nghiệp, vùng núi, biên giới…) để tiến hành xử lý xét nghiệm tại chỗ, giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh và quá tải cho các bệnh viện.

Đồng thời, container xét nghiệm lưu động cũng giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo tiêu chuẩn xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo độ chính xác, giảm chi phí so với việc xây dựng phòng thí nghiệm tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận chuyển mẫu cũng như khấu hao khác liên quan đến việc vận chuyển mẫu từ điểm lấy mẫu đến các phòng thí nghiệm.

Về lâu dài, các container xét nghiệm lưu động này có thể hoạt động cho các nhu cầu khác của phòng thí nghiệm. Dự kiến, khi được trang bị hệ thống RT-LAMP, mỗi container có khả năng xét nghiệm 10.000 mẫu/ngày.

Tiến sỹ Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết từ tháng 10/2020, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực phát triển mô hình container xét nghiệm lưu động để phục vụ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều kiện nhiều địa phương còn hạn chế trang thiết bị cũng như công tác xét nghiệm đòi hỏi sự nhanh chóng, chuẩn xác để mau chóng khoanh vùng, dập dịch.

Trong thời gian tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực, triển khai thêm nhiều mô hình hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch như xe vận chuyển vaccine, trung tâm tiêm chủng lưu động. “Chúng tôi tin với sự sáng tạo, quyết tâm, sự đồng lòng của ngành y tế và các lực lượng, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch, vì một Việt Nam khỏe mạnh,” Tiến sỹ Hà Anh Đức chia sẻ.

Đưa container xét nghiệm lưu động tới các điểm nóng về dịch COVID-19 ảnh 2Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn và Tiến sỹ Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trao các suất quà tặng một số y, bác sỹ trẻ, sinh viên tình nguyện ngành y tiêu biểu trên tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình gặp mặt các y, bác sỹ trẻ, sinh viên tình nguyện ngành Y trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Đây là hoạt động kỷ niệm 12 năm Ngày truyền thống Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (28/6/2009-28/6/2021), thiết thực hỗ trợ các y, bác sỹ trẻ ở tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã huy động các nguồn lực xã hội để trao 100 suất quà, mỗi suất mười triệu đồng, tặng các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm trẻ, sinh viên tình nguyện ngành Y có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đang ngày đêm nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên tuyến đầu.

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao đợt một gồm 20 suất quà tặng các y, bác sỹ, sinh viên tình nguyện tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn và Tiến sỹ Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao đổi thông tin, động viên các y, bác sỹ, sinh viên tình nguyện tiêu biểu tiếp tục vượt khó, góp sức cùng toàn dân đẩy lùi đại dịch.

Trong tháng 7/2021, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động hỗ trợ y, bác sỹ trẻ, nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện ngành y trên tuyến đầu chống dịch như trao tặng áo làm mát đồ bảo hộ, buồng lấy mẫu lưu động, xe xét nghiệm lưu động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục