Đúng 10 giờ ngày 19/5, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị thi công tổ chức đưa vào khai thác tạm thời Dự án Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm.
Đây là một trong tổng số 11 dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2021 và hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch đề ra.
Dự án nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 7.600 tỷ đồng.
Dự án Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 49,11km. Công trình thiết kế giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120km/ giờ, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ hiện nay có quy mô 4 làn xe, vận tốc khai thác 80km/ giờ, bề rộng nền đường 17m. Trên tuyến có hầm Dốc Sạn với chiều dài 1.485m và 25 cầu trên toàn tuyến, 4 nút giao liên thông.
[Chưa thu phí Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết]
Trước mắt, dự án đưa vào khai thác có điều kiện tuyến chính và 2/4 nút giao, bao gồm nút giao đầu tuyến tại Km 5+783 kết nối với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và nút giao cuối tuyến tại Km 52+892 kết nối với Quốc lộ 27B thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh.
Ngoại trừ người, phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì, đường cao tốc này hiện chỉ phục vụ cho xe ôtô; các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ôtô cao tốc bao gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/ giờ.
Các phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 80km/giờ và tốc độ tối thiểu 60km/giờ và việc thu phí chưa được áp dụng.
Trước đó, chiều 18/5, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu Dự án Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm. Qua đó, đánh giá và thống nhất đủ điều kiện đưa Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5.
Hội đồng Kiểm tra Nhà nước yêu cầu trong thời gian đầu khai thác, doanh nghiệp cần theo dõi, kiểm soát lưu lượng, tải trọng xe và hiệu quả của các biển báo cũng như tình hình lưu thông trên tuyến để kịp thời điều chỉnh biện pháp tổ chức giao thông đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt. Đồng thời, phối hợp với đơn vị quản lý khai thác thực hiện đúng các quy định về vận hành, bảo trì công trình xây dựng để đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng công trình theo thiết kế./.