Đưa vào sử dụng 10 cây cầu dân sinh trên địa bàn biên giới

10 cây cầu dân sinh tại huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp có tổng kinh phí là 39,5 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà tài trợ là 21,7 tỷ đồng, vốn địa phương đối ứng là 17,8 tỷ đồng.
Đưa vào sử dụng 10 cây cầu dân sinh trên địa bàn biên giới ảnh 1Lễ khánh thành và bàn giao 10 công trình cầu trên địa bàn huyện biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ngày 15/8, tại xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tham dự lễ khánh thành 10 trong số 12 cây cầu dân sinh được vận động từ các nguồn tài trợ cho huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Với sự vận động của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ban tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn-Tạp chí Nông thôn Việt được các nhà tài trợ như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Công ty Mộc An Châu, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Hồng Ngọc Hà Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng 12 cầy cầu dân sinh tại các xã nông thôn thuộc huyện biên giới Tân Hồng.

Các công trình được xây dựng cầu với quy mô công trình giao thông cấp 4, cầu có chiều dài từ 28-78 mét; chiều rộng từ 4-4,5 mét; mố, trụ, mặt cầu hoàn toàn bằng bêtông cốt thép; kích thước thông thuyền đứng từ 1,5-2,5 mét; thông thuyền ngang từ 12-18 mét.

Tải trọng mỗi cầu là 5 tấn. Tổng kinh phí là 39,5 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà tài trợ là 21,7 tỷ đồng, vốn địa phương đối ứng là 17,8 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Năm, Bí thư huyện ủy Tân Hồng cho biết, 12 công trình cầu dân sinh được khởi công xây dựng vào đầu năm 2019.

[Xây cầu treo dân sinh: Người dân bớt nỗi sợ ‘hà bá’ cướp mạng người]

Đưa vào sử dụng 10 cây cầu dân sinh trên địa bàn biên giới ảnh 2Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) dự lễ khánh thành và bàn giao cầu Sa Rài 3, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Hai cây cầu còn lại đang thi công với tiến độ đạt 50% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 10/2019.

Theo ông Đinh Văn Năm, Tân Hồng là một huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp; trong đó, có 3 xã gồm Thông Bình, Tân Hộ Cơ và Bình Phú có đường biên giới giáp Campuchia.

Trong điều kiện sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nhưng thiếu các cây cầu đấu nối, nhất là tại có cụm tuyến dân cư ven các tuyến kênh nhỏ, vì vậy giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, giao thương gặp nhiều khó khăn.

Ông Đinh Văn Năm bày tỏ, việc đưa các cây cầu dân sinh vào sử dụng không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân địa phương, các em học sinh, giao thương hàng hóa mà còn giúp địa phương từng bước hoàn thành mục tiêu xóa bỏ, thay thế cầu tạm góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, ông Đinh Văn Năm cảm ơn sự quan tâm của các nhà tài trợ trong việc hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh.

Huyện Tân Hồng sẽ quản lý và khai thác sử dụng các cây cầu hiệu quả thiết thực, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biên khi giao thông nông thôn đã được kết nối.

Trước đó, vào năm 2018, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã vận động Tập đoàn NovaLand, Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ 15 tỷ đồng xây dựng 7 cây cầu dân sinh ở huyện biên giới Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục