Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đẩy nhanh tiến độ xử lý lún mặt đường trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
“VEC khẩn trương sửa chữa các vị trí lún mặt đường còn lại trước ngày 30/9. Nếu đến thời hạn trên mà VEC vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa, yêu cầu dừng thu phí tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai cho đến khi sửa chữa, khắc phục xong, đảm bảo an toàn giao thông mới được thu phí,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, công tác thi công xử lý, sửa chữa mặt đường của VEC vẫn chưa hoàn thành.
“Hiện nay, các điểm bị lún mặt đường mới chỉ sửa chữa xong 11/22 vị trí. Ngoài các đoạn theo dõi quan trắc lún, mặt đường từ Km120+00-Km180+00 đã xuất hiện nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe, độ sâu hằn lún lớn hơn 2,5 cm,” đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho hay.
Liên quan đến vấn đề nay, ông Lê Quang Hào, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, đối với 9 điểm xử lý đất yếu có cắm biển theo dõi lún, VEC đã kiểm tra, rà soát cùng các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và kết quả cho thấy một số vị trí cần phải tiến hành sửa chữa, bù lún ngay để đảm bảo êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông.
“Tuy nhiên, một số vị trí còn lại mặt đường có độ lún nhỏ và lún võng đều nên cơ bản đảm bảo trong quá trình khai thác, do đó các vị trí này sẽ tiếp tục theo dõi,” ông Hào nêu rõ.
Báo cáo của VEC cho thấy, hiện nay, 3 vị trí đoạn km33+190-km33+278; km44+080-km44+407; km46+040-km46+587 đã hoàn thành sửa chữa, bù lún theo đúng thiết kế được duyệt. Năm vị trí lún tại km48+360-km49+060 (nằm trong khu vực đang tiến hành thi công Nút giao IC7), km79+500-km79+900, km50+020-km50+400, đường dẫn mố A2 cầu vượt đường sắt đến mố A1 đường dẫn cầu vượt Sông Hồng; km89+640-km89+740 các nhà thầu vẫn thường xuyên sửa chữa, bù lún cục bộ nên mặt đường vẫn cơ bản đảm bảo trong quá trình khai thác.
Riêng tại vị trí bị sự cố nứt nền móng, mặt đường năm 2014 (km82+810-km83+360), mặt đường đã được nhà thầu tiến hành sửa chữa khắc phục sau khi thi công xong bệ phản áp, do đó mặt đường hiện tại vẫn cơ bản đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.
Ngoài ra, do đây là vị trí đã xảy ra sự cố, VEC đề nghị tiếp tục cho theo dõi thêm đến khi nền đường hoàn toàn ổn định và độ lún còn lại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, VEC sẽ yêu cầu nhà thầu tiến hành sửa chữa mặt đường.
Đối với 9 điểm lún cục bộ mặt đường, ông Hào cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế hiện trường cho thấy, một số vị trí mặt đường có lún nhưng ít và vẫn đảm bảo trong quá trình khai thác nên tiếp tục theo dõi.
Với 4 điểm lún cục bộ đầu cầu và cống, đến nay, công tác sửa các điểm lún cục bộ được 3/4 vị trí gồm: km61+583; km63+526; km65+540. Còn lại tại km49+129 mặt đường có độ lún nhỏ vẫn đảm bảo trong quá trình khai thác nên VEC đề nghị tiếp tục theo dõi.
Giải thích về nguyên nhân khắc phục các điểm lún này, vị Phó Tổng giám đốc VEC cho rằng, trong quá trình triển khai có một số vướng mắc khó khăn dẫn đến công tác sửa chữa khuyết tật của nhà thầu chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu như thời gian mưa kéo dài từ 31/7 đến 9/8 (10 ngày); một số vị trí lún cục bộ chưa được thực hiện ngay do nhà thầu tiến hành khoan khảo sát để xác định xem có thuộc trách nhiệm bảo hành hay không như: km6+675; km33+625... Khối lượng bêtông nhựa để sửa chữa, bù lún mặt đường tại mỗi vị trí có khối lượng nhỏ nên khó khăn trong việc thuê đơn vị thực hiện công tác sửa chữa.
Ngoài ra, trong quá trình sửa chữa, các đơn vị thi công triển khai trong điều kiện khó khăn, vừa thi công mà phải đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác./.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài 245km được chia làm 8 gói thầu xây lắp từ A1-A8 và được thông xe vào ngày 21/9/2014 nhưng sau đó đã xảy ra hiện tượng lún theo hình vòng cung, trên hướng từ Lào Cai về Hà Nội. Một số đoạn tuyến cũng bị lún tại các gói thầu A2, A3 và A4.Tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã được điều chỉnh tại quyết định số 3008/QĐ-BGTVT ngày 07/8/2014 của Bộ Giao thông Vận tải là 1,46 tỷ USD (giai đoạn 1) bao gồm vay ưu đãi ADF (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1,03 tỷ USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530m, 1 hầm chui, 12 nút giao khác mức, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23ha.