Đường bay thẳng Việt-Mỹ: Thị phần lớn nhưng cũng nhiều cạnh tranh

Vietnam Airlines chuẩn bị công tác bay thẳng Mỹ từ rất lâu và tin tưởng việc tăng trưởng thị phần, trở thành hãng hàng không nắm thị phần lớn nhất trên đường bay Việt Nam-Mỹ là rất khả thi.
Vietnam Airlines dự kiến bắt đầu khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần đường bay thẳng từ Việt Nam-Mỹ và giá vé sẽ từ 800 USD bao gồm thuế, phí. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vietnam Airlines dự kiến bắt đầu khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần đường bay thẳng từ Việt Nam-Mỹ và giá vé sẽ từ 800 USD bao gồm thuế, phí. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, để đảm bảo hiệu quả khai thác đường bay thẳng thường lệ từ Việt Nam-Mỹ, hãng đã lên phương án kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa, bắt đầu khai thác từ 28/11/2021. Vietnam Airlines luôn kiểm soát chặt chẽ chi phí, hiệu quả của từng chuyến bay, đảm bảo phương án khai thác hiệu quả, hợp lý trong điều kiện cụ thể hiện tại.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Hà về vấn để này.

Thị phần sẽ phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát

- Tình hình dịch bệnh COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines đang phải đối mặt với thiệt hại tài chính nặng nề. Tại sao hãng quyết định mở đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ trong bối cảnh này, thưa ông?

Ông Lê Hồng Hà: Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, đường bay Việt Nam-Mỹ là một trong những thị trường đầy tiềm năng. Du học sinh Việt Nam tại Mỹ lớn thứ 6. Năm 2020, có gần 24.000 sinh viên ở bậc đại học, đóng góp 827 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Việt Kiều tại Mỹ đông nhất trên thế giới với khoảng 2,2 triệu người.

Giao thương giữa Mỹ-Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước đạt 90 tỷ USD trong năm 2020 và mục tiêu đạt 100 tỷ USD trong năm 2021. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam đứng trong top 10 đối tác của Mỹ.

Do đó, về mặt thị trường, Vietnam Airlines đánh giá nhu cầu sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách nhập cảnh được nới lỏng, tạo thuận tiện cho hành khách.

- Thị trường hàng không Việt-Mỹ có rất nhiều tiềm năng, nhưng luôn cạnh tranh quyết liệt và có chi phí cao, ông nhận định thế nào về thách thức đối với Vietnam Airlines khi khai thác thị trường này?

Ông Lê Hồng Hà: Kế hoạch bay Mỹ của Vietnam Airlines có rất nhiều thách thức. Đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ có thời gian bay dài, chiều đi dài hơn 13 tiếng, chiều về dài hơn 16 tiếng. Do đó, hãng không thể khai thác hết tải của tàu bay dẫn đến doanh thu chuyến bay giảm.

[Vietnam Airlines mở đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ từ 28/11]

Ngoài ra, Vietnam Airlines gặp phải cạnh tranh rất lớn trên đường bay này do giá vé rẻ được khai thác bởi các hãng hàng không bay 1 điểm dừng (CI, BR của Đài Loan; KE, OZ của Hàn Quốc; NH, JL của Nhật Bản…)

- Sắp tới, rất có thể sẽ có tới 2 hãng hàng không Việt Nam cùng khai thác đường bay thường lệ tới Mỹ có tạo ra sự dư thừa cung tải lớn, dẫn tới làm giảm hiệu quả khai thác chung hay không?

Ông Lê Hồng Hà: Chắc chắn với việc có thêm hãng hàng không khai thác thường lệ tới Mỹ sẽ làm gia tăng mức độ cạnh tranh và có thể ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines tự tin cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn 4 sao nhiều năm được Skytrax công nhận, hướng tới dịch vụ 5 sao đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

- Các kế hoạch tiếp thị, xúc tiến thị trường đã được Vietnam Airlines thực hiện như thế nào để sớm trở thành một trong những đơn vị nắm thị phần lớn nhất trên đường bay Việt Nam-Mỹ?

Ông Lê Hồng Hà: Vietnam Airlines chuẩn bị công tác bay thẳng Mỹ từ rất lâu. Ngoài việc đánh giá rất kỹ nhu cầu thị trường, đánh giá năng lực cạnh tranh, hãng đã tiếp xúc với hệ thống bán để xây dựng kế hoạch bán và tiếp thị nhằm mục tiêu đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng cũng như gia tăng lợi ích tới hệ thống bán.

Chúng tôi cho rằng, với việc triển khai kế hoạch bay thẳng đón đầu chính sách mở cửa của Chính phủ hai nước Việt Nam và Mỹ thì việc tăng trưởng thị phần, trở thành hãng hàng không nắm thị phần lớn nhất trên đường bay Việt Nam-Mỹ là rất khả thi.

Kiểm soát chặt chẽ chi phí, hiệu quả của từng chuyến bay

- Xin ông chia sẻ mức giá và việc mở bán vé của đường bay này?

Ông Lê Hồng Hà: Nhu cầu đi lại của hành khách giữa hai nước là rất lớn. Với việc được nhà chức trách hàng không Mỹ cấp phép khai thác thường lệ tới Mỹ, Vietnam Airlines rất sẵn sàng và mong muốn sớm mở đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ.

Dự kiến giá vé của chặng bay một chiều giữa Việt Nam và Mỹ do Vietnam Airlines khai thác sẽ từ 800USD bao gồm thuế, phí.

Về hình thức mở bán, dự kiến trong giai đoạn đầu khai thác đường bay, do chính sách hạn chế nhập cảnh và đóng cửa tạm thời mạng đường bay quốc tế thường lệ của Chính phủ, việc bán vé cho hành khách trên chiều từ Mỹ về Việt Nam sẽ được thực hiện qua đại lý tương tự như các chuyến bay đưa công dân nước ngoài hồi hương hiện nay.

Song song đó, hãng cũng đang đánh giá thêm nhu cầu để có thể khai thác mở bán khách hai chiều cho tất cả các hạng dịch vụ. Sau khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế thường lệ, Vietnam Airlines sẽ mở bán vé rộng rãi trên tất cả các kênh bán như website, ứng dụng di động, phòng vé và đại lý.

[CEO Vietnam Airlines: Phải cân đối vận tải trên đường bay Việt-Mỹ]

Để đảm bảo hiệu quả khai thác, hãng đã lên phương án kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa, bắt đầu khai thác từ 28/11/2021. Vietnam Airlines luôn kiểm soát chặt chẽ chi phí, hiệu quả của từng chuyến bay, đảm bảo phương án khai thác hiệu quả, hợp lý trong điều kiện cụ thể hiện tại.

- Trước đây, lãnh đạo Vietnam Airlines đã tính toán nếu bay thẳng thường lệ đến Mỹ mỗi năm sẽ lỗ khoảng 30-50 triệu USD, vào thời điểm này, con số này sẽ như thế nào? Hãng có kế hoạch, biện pháp gì để bảo đảm hiệu quả của đường bay này, nhất là trong giai đoạn đầu khai thác?

Ông Lê Hồng Hà: Con số tính toán lỗ trên dựa vào phương án khai thác 7 chuyến/tuần, với điều kiện khai thác không hạn chế và cạnh tranh lớn bởi các hãng bay với 1-2 điểm dừng và hạch toán chi phí đầy đủ bao gồm cả chi phí biến đổi (xăng dầu, điều hành bay, phục vụ hành khách …); chi phí cố định (không bay cũng phải trả như thuê mua máy bay, bảo dưỡng tàu bay, động cơ, nhân công, văn phòng…).

Trong bối cảnh hiện tại, Vietnam Airlines dự kiến bắt đầu khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần, chỉ tăng chuyến khi thị trường phục hồi và đảm bảo hiệu quả. Với đường bay Việt-Mỹ, trong 5 năm đầu hãng vẫn xác định lỗ, nhưng cân đối toàn mạng bay của hãng sẽ vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Về công tác bán, hãng chú trọng tìm các đối tác uy tín để phối hợp và có cam kết bán hành khách, hàng hóa.

Về hạch toán, do tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng làm cho đội máy bay của Vietnam Airlines hoạt động chưa hết công suất, việc bay thẳng Việt Nam-Mỹ đem lại hiệu quả góp phần bù đắp vào chi phí cố định. Hãng kiểm soát chặt chẽ chi phí, hiệu quả của từng chuyến bay, đảm bảo phương án khai thác hiệu quả, hợp lý trong điều kiện cụ thể hiện tại.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục