Đường vành đai Hà Nội, TP.HCM: Mở ra không gian tăng trưởng mới

Đường Vành đai 4 và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là một trục giao thông mang tính chiến lược, tạo ra những không gian tăng trưởng mới cho 2 đô thị lớn nhất nước và các địa phương.
Tuyến đường vành đai sẽ giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng và tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Tuyến đường vành đai sẽ giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng và tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Các tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khi hoàn thành sẽ giúp phân luồng giao thông từ xa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hình thành không gian phát triển mới về đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thu hút nhiều dự án đầu tư và khai thác hiệu quả quỹ đất song hành dọc tuyến.

Rốt ráo tiến độ để sớm khởi công

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ 5 đoạn trên toàn tuyến thuộc địa phận thành phố (Quốc lộ 18-cầu Hồng Hà; cầu Hồng Hà-Quốc lộ 32; Quốc lộ 32-Quốc lộ 6; Quốc lộ 6-Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1A -cầu Mễ Sở) trong tháng 9/2022.

Trong tháng 10/2022 lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; trong tháng 11/2022 hoàn thành thỏa thuận phương án thiết kế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng đê điều, hành lang thoát lũ...

Về lựa chọn nhà thầu thi công, với dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội tổ chức đấu thầu, lựa chọn và thương thảo, ký hợp đồng nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát, bảo hiểm công trình hoàn thành trong tháng 8/2023, trong đó đối với gói thầu khởi công hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/6/2023.

Với dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc) theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT hoàn thành các thủ tục để khởi công công trình trong tháng 6/2023.

Về giải phóng mặt bằng, thành phố Hà Nội cũng tổ chức xây dựng, phê duyệt cơ chế chính sách thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án đồng thời đưa ra mục tiêu tới tháng 6/2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng.

[Hà Nội: Khởi công xây dựng dự án đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023]

Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra khó khăn vướng mắc với 3 dự án thành phần (1.1, 1.2, 1.3) thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh hiện nay chưa có quy định về nội dung, trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng (tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư).

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ có ý kiến với thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án sớm ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các dự án thành phần đồng thời gửi Bộ bảng tiến độ và kế hoạch thực hiện chi tiết của dự án để chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo nhiệm vụ được giao.

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh 47,5km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,8km). Dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Dự án được chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Hiện, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang tiếp tục hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc ranh giải phóng mặt bằng dự án trong tháng 9/2022 để thực hiện các thủ tục tiếp theo phục vụ công tác thu hồi đất và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan đến đường Vành đai 3; lập, thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần trong tháng 11/2022 và lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần trong năm 2022.

Trục kết nối liên vùng, động lực dẫn dắt kinh tế

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến cao tốc đô thị nên yếu tố quy hoạch, cảnh quan rất quan trọng do cao tốc tồn tại 100 năm nên phải hài hòa với quy hoạch tổng thể; khi dự án tiền khả thi được phê duyệt phải thi tuyển phương án kiến trúc.

Cho rằng sau thời gian phát triển, mật độ giao thông tăng mạnh, tuyến đường vành đai của 2 đô thị lớn nhất cả nước đã đưa vào khai thác quá tải, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nhấn mạnh việc đầu tư 2 tuyến đường vành đai mới này sẽ giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng và tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong khu vực.

[Các dự án đường vành đai: Cần giám sát để hạn chế sai sót]

Từ đó, ông Mười khẳng định, 2 tuyến đường vành đai mới này là một trục giao thông mang tính chiến lược, tạo ra những không gian tăng trưởng mới cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, tiếp tục là động lực dẫn dắt nền kinh tế cả nước.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho hay khi hai tuyến đường này hoàn thành chắc chắn sẽ hình thành nên các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối lân cận quanh tuyến đường. Đây chính là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng này.

"Khi được thông qua chủ trương đầu tư thực hiện, đất đai ở khu vực làm hai tuyến đường này đã sôi động lên và giá tăng rất nhiều lần. Do vậy, Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường. Cơ chế này thực hiện theo hướng quy hoạch vùng lân cận 2 bên đường thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực),” ông Cường góp ý thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục