Liên minh châu Âu (EU) sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tiếp tục "bơm" tiền để phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, dự kiến ngày 26/2 tới, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến, trong đó chủ đề phản ứng của toàn cầu đối với sự tàn phá chưa từng có do dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế sẽ đứng đầu chương trình nghị sự.
Tài liệu được chuẩn bị cho phái đoàn các nước châu Âu tham dự hội nghị này khuyến nghị các nước tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa hỗ trợ.
Được chính phủ của tất cả các nước EU nhất trí, tài liệu này nêu rõ "các biện pháp ứng phó trong tương lai được đề ra trong chính sách trên cần tiếp tục được điều chỉnh một cách thận trọng và được rà soát thường xuyên trong bối cảnh có nhiều bất ổn liên quan đến dịch bệnh..."
[EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Eurozone]
Từ tháng 2 năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới nói chung và các nước nghèo nói riêng với các khoản nợ lớn hơn cũng như không có khả năng áp dụng các biện pháp kích thích sự phục hồi thông qua các khoản nợ mới.
Do vậy, EU cho biết sẽ ủng hộ việc gia hạn sáng kiến của G20 vốn được đưa ra từ năm ngoái về việc giãn nợ cho các nước trên thêm 6 tháng nữa.
Cũng theo EU, liên minh này sẵn sàng thảo luận về các lựa chọn để giảm áp lực tài chính đối với các nước thu nhập thấp trong trường hợp phải đối mặt với áp lực tài chính.
Giới chức Brussels cũng sẽ căn cứ theo phân tích và đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) về nhu cầu tài trợ từ bên ngoài ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong những năm tới./.