EU đề xuất loại bỏ hầu hết thủ tục kiểm tra hàng hóa đến Bắc Ireland

EC đề xuất loại bỏ 80% các thủ tục kiểm tra với các sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật nhập vào Bắc Ireland từ lục địa Anh và cắt giảm một nửa các thủ tục giấy tờ hải quan với hàng hóa khác.
EU đề xuất loại bỏ hầu hết thủ tục kiểm tra hàng hóa đến Bắc Ireland ảnh 1Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/10 đã đề xuất xóa bỏ hầu hết các thủ tục kiểm tra đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland nhằm đảm bảo hoạt động thương mại suôn sẻ trong lãnh thổ nước này và chấm dứt tranh chấp kéo dài với London sau khi Anh rời Liên minh châu Âu-EU (Brexit).

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic đã đưa ra đề xuất loại bỏ 80% các thủ tục kiểm tra đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật nhập vào Bắc Ireland từ lục địa Anh, và cắt giảm một nửa các thủ tục giấy tờ hải quan đối với tất cả hàng hóa khác.

Đề xuất của EC tập trung vào bốn lĩnh vực chính, gồm kiểm soát an toàn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; thủ tục hải quan; thuốc; và sự tham gia của Bắc Ireland vào việc giám sát thực thi thỏa thuận Brexit.

Theo đề xuất này, các chuyến xe đến từ Vương quốc Anh cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ ở Bắc Ireland có thể đi qua "làn cao tốc" tại các cảng. Một xe tải với 100 sản phẩm thực phẩm khác nhau sẽ chỉ cần một giấy chứng nhận, thay vì 100 như hiện nay.

[Anh xem xét kỹ đề xuất của EU về vận chuyển hàng hóa đến Bắc Ireland]

Các doanh nghiệp ở Bắc Ireland nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật như trứng và phô mai từ Vương quốc Anh sẽ được giải phóng khỏi các thủ tục điền giấy tờ biểu mẫu, đồng thời lệnh cấm của EU đối với các loại thịt ướp lạnh, như xúc xích, cũng sẽ chấm dứt.

EU cũng cho phép thuốc từ Vương quốc Anh được nhập vào Bắc Ireland, và các công ty thuốc trên lục địa Anh sẽ không phải chuyển cơ sở sản xuất tới Bắc Ireland, đánh dấu một sự thay đổi so với các quy định hiện hành của EU.

Tuy nhiên, Brussels vẫn quan ngại Bắc Ireland có thể trở thành "cửa sau" để các sản phẩm bị cấm hoặc bị đánh thuế tuồn vào thị trường đơn nhất EU. Vì vậy Brussels yêu cầu London phải thắt chặt kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và dán nhãn "chỉ lưu hành ở Anh" trên hàng hóa. Các quan chức EU sẽ có thể kiểm tra và thanh tra các nhà nhập khẩu và cửa hàng ở Bắc Ireland.

Phó chủ tịch Maros Sefcovic nhấn mạnh đề xuất của EU là cơ hội cuối cùng để giải quyết vấn đề và yêu cầu các cam kết từ phía Anh. Ông nói: “Chúng tôi đã đảo lộn hoàn toàn các quy tắc của khối nhằn tìm ra giải pháp cho thách thức hiện nay,” và khẳng định ưu tiên số một của EU là duy trì những thành quả của Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành, đồng thời đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường đơn lẻ.

Ông Sefcovic cho biết các đề xuất của EC đã "đi khá xa" để đáp ứng các mối quan tâm của Anh, song nhấn mạnh chỉ sẵn sàng đàm phán trong khuôn khổ những đề xuất này.

Ông bác bỏ yêu cầu của Bộ trưởng Brexit Anh David Frost rằng một hội đồng trọng tài chung phải thay thế Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) để giải quyết các tranh chấp. Ông nhấn nhấn mạnh nếu không có ECJ, Bắc Ireland không thể ở lại thị trường chung của EU.

Ông Sefcovic đã mời ông Frost đến Brussels vào ngày 15/10 để bắt đầu các cuộc đàm phán chuyên sâu với mục tiêu đạt được một thỏa thuận giữa hai bên vào cuối năm.

EC đã đưa ra các đề xuất trên nhằm đáp lại yêu cầu của Anh về việc viết lại Nghị định thư Bắc Ireland. Nghị định thư Bắc Ireland là một phần trong thỏa thuận Brexit nhằm đảm bảo hòa bình cho vùng lãnh thổ sau khi Anh rời khỏi EU bằng cách tránh thiết lập đường biên giới cứng giữa vùng này và Ireland thuộc EU.

Theo các điều khoản của Nghị định thư, tất cả hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland phải tuân theo các quy tắc hải quan và quy định về sản phẩm của EU. Việc kiểm tra hàng hóa từ lục địa Anh sang Bắc Ireland đã gây ra tình trạng tắc nghẽn, phát sinh nhiều thủ tục, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa cho vùng này và nhiều doanh nghiệp thậm chí tuyên bố giảm quy mô hoặc chấm dứt các hoạt động giao thương tới Bắc Ireland.

Các quy định mới cũng vấp phải sự phản đối của phe ủng hộ London tại Bắc Ireland, cho rằng gây chia cắt vùng này với phần còn lại của nước Anh, dẫn tới các cuộc biểu tình và bất ổn. Anh kêu gọi đàm phán lại Nghị định thư trong khi EU khẳng định không nhất trí với phương án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.