EU sẽ áp thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào tuần tới

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi tháng trước đã cảnh báo bất kỳ động thái áp thuế nào của EU sẽ "buộc Mỹ phải đáp trả," còn Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ "phản công mạnh mẽ hơn."
EU sẽ áp thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào tuần tới ảnh 1Nông dân thu hoạch nho tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/11 cho biết khối này đã sẵn sàng để áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ vào tuần tới để trả đũa việc Washington trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Boeing.

Đa số các chính phủ EU đã ủng hộ việc áp đặt các mức thuế quan như vậy khi các Bộ trưởng Thương mại EU nhóm họp vào thứ Hai tới (ngày 9/11).

Một nhà ngoại giao EU cho biết khối này có thể áp thuế chính thức từ thứ Ba hoặc thứ Tư tới (ngày 10-11/11).

Các nhà ngoại giao cho biết EU sẽ áp thuế quan lên các mặt hàng bao gồm máy bay và các bộ phận máy bay, trái cây, các loại hạt, nước cam, một số loại rượu mạnh cùng những loại hàng hóa khác như thiết bị xây dựng hay bàn chơi casino.

Đây dự kiến sẽ là bước ngoặt mới nhất trong tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương vốn đã kéo dài 16 năm và bốn đời Tổng thống Mỹ.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tiến gần hơn đến chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11, nhưng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa sẽ vẫn giữ vị trí này cho đến ngày 20/1/2021.

[Mỹ-EU tiến “từng bước nhỏ” tới thỏa thuận thương mại song phương]

Ông vẫn "có đủ thời gian" để tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa châu Âu vốn được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “bật đèn xanh” trong một vụ kiện tương tự về trợ cấp của khối này cho Airbus.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi tháng trước đã cảnh báo bất kỳ động thái áp thuế nào của EU sẽ "buộc Mỹ phải đáp trả", còn Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ "phản công mạnh mẽ hơn" đối với hàng hóa châu Âu.

Washington cho rằng các động thái thuế quan của EU không có cơ sở pháp lý nào vì các khoản trợ cấp cơ bản cho Boeing đã bị bãi bỏ. Các quan chức châu Âu lại lập luận rằng chỉ có WTO mới có thể quyết định về việc tuân thủ phán quyết và tổ chức này đã cho phép EU đáp trả vào tháng trước.

Cả hai bên đều cáo buộc bên còn lại không tuân theo các phán quyết của WTO, nhưng Washington và Brussels được cho là quyết tâm khẳng định lập trường cứng rắn của mình trước các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai về vấn đề này.

Từ tháng 10/2019, Washington đã áp thuế đối với máy bay Airbus và các sản phẩm khác của châu Âu, từ phomát đến ôliu và rượu whisky.

Mỹ được WTO cho phép áp thuế đối với 7,5 tỷ USD hàng hóa châu Âu, song chưa sử dụng hết hạn ngạch này. Nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn có thể tăng thuế đối với nhiều loại hàng hóa khác nhau của châu Âu hoặc mở rộng danh sách mục tiêu đánh thuế.

Ủy ban châu Âu cho biết họ đang cân nhắc những gì họ coi là quyền trả đũa của khối này trong trường hợp không tìm được giải pháp thỏa thuận nào với Washington, bao gồm cả việc đình chỉ thuế quan của Mỹ ngay lập tức.

Có thể nói Brussels coi các biện pháp thuế quan của riêng mình là đòn bẩy quan trọng trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tranh chấp bắt đầu từ năm 2004 này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.