Tối 28/7, tại thành phố Vinh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023 - Tinh hoa Tỏa sáng.
Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại.
Tại lễ khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh tỉnh mong muốn đưa sự kiện này thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch Nghệ An trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước; tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác cùng phát triển.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận và đánh giá cao việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca Ví, Giặm của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, 2 năm một lần tổ chức cấp liên tỉnh.
[Ngôn ngữ cổ trong các làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh]
Mỗi tỉnh có nhiều chính sách bảo tồn và phát huy di sản như: phong tặng, tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, tổ chức đưa dân ca vào trường học, tổ chức các hoạt động giao lưu, nghiên cứu, sưu tầm, trình diễn dân ca Ví, Giặm…
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ, việc bảo tồn di sản văn hóa này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và đề nghị chính quyền hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh cùng với sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng là chủ thể của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nhân dân cả nước cùng chung tay thực hiện có hiệu quả Chương trình Hành động Quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi Vật thể này.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Nghệ An và Hà Tĩnh, đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Hai địa phương tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản dân ca Ví, Giặm.
Hai tỉnh triển khai có hiệu quả các chính sách, quy hoạch ngắn hạn và dài hạn về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, trong đó chú trọng hỗ trợ cộng đồng, câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá Dân ca Ví, Giặm.
Các địa phương phục hồi, lưu truyền các làn điệu và hình thức diễn xướng truyền thống; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm trong cuộc sống đương đại.
Hai địa phương cần tăng cường giới thiệu, quảng bá giá trị Dân ca Ví, Giặm ở trong và ngoài nước.
Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch đối ngoại của tỉnh hàng năm về giao lưu, hợp tác quốc tế, hai địa phương xúc tiến quảng bá Dân ca Ví, Giặm ra nước ngoài.
Cùng với đó, hai tỉnh xây dựng dân ca Ví, Giặm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ; phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa gắn với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại các khu, điểm du lịch và trong cộng đồng. Hai tỉnh lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho Ví, Giặm và thương hiệu du lịch địa phương gắn với Ví, Giặm; đưa hình ảnh dân ca, chân dung nghệ nhân, nghệ sỹ Ví, Giặm vào các sản phẩm du lịch, các phương tiện truyền thông. Thiết kế các tour du lịch về miền Ví, Giặm.
Để Ví, Giặm trường tồn và tỏa sáng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ luôn đồng hành, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp cùng các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương thực hiện tốt Chương trình Hành động Quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa Phi Vật thể thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được ra đời từ quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, được diễn xướng trong nhiều không gian khác nhau, vào những thời gian khác nhau.
Hình thành từ cuộc sống hàng ngày, mỗi câu hát dân ca Ví, Giặm đều thể hiện một cách chân thực, tinh tế mọi mặt của đời sống vật chất, tinh thần, các sinh hoạt văn hóa cũng như tâm tư, tình cảm của người dân xứ Nghệ.
Trải qua hàng trăm năm được nuôi dưỡng bởi mạch nguồn văn hoá dân gian, Ví, Giặm đã trở thành một Di sản Văn hóa Phi Vật thể mang đậm bản sắc của người Nghệ.
Qua mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ, di sản ấy lại được trao truyền, kế thừa và sáng tạo, bổ sung để thích ứng tốt hơn với môi trường, hoàn cảnh xã hội và điều kiện lịch sử mới.
Festival dân ca Ví, Giặm - Tinh hoa Tỏa sáng là sự kiện văn hóa lớn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc diễn ra trên địa bàn tỉnh và nơi kết nối những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước về hội tụ, giao hòa trên mảnh đất Nghệ An.
Chương trình khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh diễn ra gồm 3 chương, với 13 tiết mục nghệ thuật đặc sắc, có yếu tố văn hóa bản địa kết hợp các màn biểu diễn với những công nghệ hiện đại.
Chương 1 “Mạch nguồn di sản” gồm các tiết mục thể hiện những nét đời sống đặc trưng của vùng đất gió Lào nắng cháy, nơi những dòng chảy của Ví, Giặm hình thành.
Chương 2 “Ân tình ví, giặm” truyền đi thông điệp: Tinh hoa của trí tuệ, tâm hồn, khí chất con người Nghệ Tĩnh, những diễn biến tâm hồn vô cùng phong phú và đẹp đẽ của con người xứ Nghệ được kết tinh trong những sản phẩm văn hóa dân gian ví, giặm. Chương này còn có sự kết nối giữa các ca khúc dân ca truyền thống và các ca khúc hiện đại mang âm hưởng Ví, Giặm.
Chương 3 “Ví, Giặm - Tinh hoa Tỏa sáng” thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của dân ca Ví, Giặm với các vùng miền, địa phương và các quốc gia.
Ngày 27/11/2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào của quốc gia và của nhân dân hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh, cũng là dấu mốc quan trọng trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nâng cao tầm nhìn cho cộng đồng quốc gia và quốc tế đối với một di sản giàu bản sắc của một vùng văn hóa./.