Festival Phở 2024: Du khách thích thú trải nghiệm quy trình làm phở Cồ

Tại làng Vân Cù - "cái nôi" của phở Cồ, du khách được tham quan, trải nghiệm toàn bộ quá trình làm phở từ tráng bánh, thái bánh phở; nấu nước dùng, thái thịt bò, ướp gia vị và hoàn thiện một bát phở.

Nghệ nhân ẩm thực phục vụ phở Cồ cho nhân dân và du khách. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Nghệ nhân ẩm thực phục vụ phở Cồ cho nhân dân và du khách. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Ngày 15/3, tại thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, Ban Tổ chức Festival Phở năm 2024 đã tổ chức Chương trình trình diễn làm phở, giúp người dân, du khách trong và ngoài nước được tham quan, tìm hiểu về nghề làm phở, trực tiếp trải nghiệm làm ra một bát phở thơm ngon.

Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần quảng bá nét độc đáo của ẩm thực Việt nói chung, tinh hoa phở Việt nói riêng, hướng tới xây dựng hồ sơ, đưa phở vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới…

Tham gia chương trình, người dân, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm toàn bộ quá trình làm phở qua các khâu tráng bánh, làm bánh phở tươi, cách thái bánh phở; nấu nước phở, thái thịt bò, ướp gia vị và hoàn thiện một bát phở.

Tại đây, người dân và du khách được thưởng thức tinh hoa phở Việt, chủ yếu là phở Cồ, do các nghệ nhân làm phở ở thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn thực hiện.

Trực tiếp trình diễn quy trình làm phở giới thiệu tới du khách thập phương, ông Cồ Như Đồi, Chi hội trưởng Chi hội phở Vân Cù chia sẻ Festival Phở năm 2024 được tổ chức tại nơi được xem là “cái nôi” của phở, có ý nghĩa rất lớn, khuyến khích, ghi nhận nỗ lực của các gia đình đang duy trì, phát triển nghề làm phở qua nhiều thế hệ, ở cả trong và ngoài nước.

Các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu, quảng bá phở góp phần làm rõ quá trình hình thành, phát triển của nghề làm phở, giúp người dân, du khách hiểu thêm về những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt nói chung, phở Việt nói riêng, từ đó mong muốn nhận được sự ủng hộ của cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong việc công nhận phở là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới.

Chia sẻ về “bí kíp” làm ra những bát phở ngon, đúng thương hiệu “phở Cồ” (còn gọi là phở Vân Cù), ông Đồi bật mí, những người làm nghề bán phở xuất thân từ làng Vân Cù luôn tuân thủ tuyệt đối tiêu chí, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài các “bí kíp” gia truyền, người làm phở Vân Cù luôn sử dụng nguyên liệu, thực phẩm có thương hiệu uy tín, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mang lại hương vị đặc trưng riêng cho thực khách.

Ông Cồ Như Đồi cho biết thêm, với mục đích quy tụ, đoàn kết những người đang làm nghề phở để hỗ trợ, học hỏi, sáng tạo, giúp đỡ nhau bảo vệ, phát triển nghề làm phở truyền thống của cha ông, năm 2022, Chi hội phở Vân Cù (tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định) được thành lập, gồm 50 hội viên hoạt động nghề phở truyền thống ở khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

bat pho.jpg
Bát phở Cồ truyền thống của làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Phở là món ăn bình dị, phổ biến ở khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị tại Việt Nam. Phở cũng trở thành đặc sản đối với nhiều du khách nước ngoài, người Việt xa quê.

Bà Lê Bích Châm, Việt kiều đang sinh sống tại Belarus, cho biết bà cùng gia đình khá may mắn khi về Hà Nội thăm quê, được bạn bè giới thiệu có Festival Phở tại Nam Định nên đã tranh thủ thời gian về đây tham gia các hoạt động của sự kiện.

“Tôi đã ăn phở Việt ở một số nước và ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, song mỗi nơi mang một hương vị riêng. Đây có lẽ là nét độc đáo, tạo nên sự hấp dẫn, sức hút riêng,” bà Châm nhìn nhận.

Theo ông Dương Quốc Nam, Chủ tịch Hội đầu bếp trẻ Việt Nam, Festival Phở năm 2024 là dịp thuận lợi để giới thiệu, quảng bá phở - món ăn được nhiều đầu bếp, chuyên gia, các tạp chí quốc tế công nhận là một trong số các món ăn hấp dẫn trên toàn cầu.

Sự kiện này cũng tạo cơ hội cho các đầu bếp có cơ hội học hỏi, giao lưu, bổ sung kinh nghiệm làm nghề, để nấu những món ăn ngon, trong đó có phở.

Ông Nam hy vọng rằng, thời gian tới, những nét đặc trưng, tinh hoa của phở Việt không những được giới thiệu, quảng bá ở trong nước mà còn tiếp tục được biết đến nhiều hơn trên thế giới.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Trung ương và các địa phương, hiệp hội nghề nghiệp có thể nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch để từng bước đưa phở tham gia các hội chợ, có mặt tại những trung tâm ăn uống, ẩm thực ở nhiều nước trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)