Bảo hiểm y tế là cơ chế tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo về sức khỏe nhân dân.
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam.” Sau 10 năm luật bảo hiểm y tế có hiệu lực đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
84,5 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, theo số liệu thống kê đến tháng Năm vừa qua, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế và đã đạt được tỷ lệ bao phủ là 89%. Có thể nói, hiện nay các nhóm đối tượng là người lao động đã tham gia bảo hiểm y tế trên 90% một con số rất đáng khích lệ.
Nhóm người hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội 100% đã tham gia bảo hiểm y tế với khoảng 3,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ bao gồm có hộ cận nghèo, học sinh sinh viên đã tham gia gần 100%.
[Tiến tới không còn hạng bệnh viện, chỉ còn bệnh viện chất lượng]
“Một điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nhóm thứ 5, là nhóm hộ gia đình mà trước đây được tham gia bảo hiểm y tế dưới hình thức tự nguyện, từ ngày Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 thì chuyển thành đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng theo hình thức là hộ gia đình, thì đến tháng Năm đã có trên 17 triệu người tham gia. Đây là con số mà chúng tôi nghĩ rằng nó thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị cũng như là sự quan tâm người dân trong quá trình tham gia bảo hiểm y tế,” ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia bảo hiểm y tế là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho hay hiện nay còn gần 11% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Nhóm chưa tham gia chủ yếu là đối tượng thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong một số doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.
Quyền lợi được mở rộng
Ông Toàn phân tích, về mức hưởng bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế thuộc các nhóm đối tượng khác nhau có các mức hưởng (tỷ lệ) chi phí trong phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế (theo danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật) khác nhau. Những đối tượng được hưởng 100% là người nghèo, đối tượng ưu đãi xã hội, trẻ em; các đối tượng hưởng mức 95% là người cận nghèo, người nghỉ hưu); 80% (người lao động).
Sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của người tham gia, đồng thời phải hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế. Nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng.
Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng thuận lợi. Điển hình nhất là từ năm 2015, đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi. Với các đối tượng này, từ năm 2016 người tham gia bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến, xã tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến (thông tuyến huyện).
Chưa điều chỉnh mức đóng
Theo thống kê, từ năm 2009, mức đóng được tăng lên từ 3% lên 4,5%, quỹ bảo hiểm y tế đã có kết dư (đến 2015 quỹ kết dư khoảng 52.000 tỷ đồng). Từ 2016, có điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu khám chữa bệnh tăng và các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới được quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhưng quỹ bảo hiểm y tế vẫn đảm bảo cân đối thu- chi do có nguồn kết dư và nguồn quỹ dự phòng.
Ông Phan Văn Toàn nhấn mạnh, dự kiến trong một vài năm tới chưa cần điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, do đó chưa tác động đến nguồn ngân sách nhà nước (hỗ trợ đóng cho tối tượng ưu đãi xã hội, đối tượng khó khăn) cũng như chưa tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp và người lao động.
Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, bảo hiểm y tế đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho việc khám chữa bệnh, nguồn chi từ quỹ bảo hiểm y tế đang trở thành nguồn thu chủ yếu của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện (trên 80%)./.