Tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở Việt Nam là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn người lớn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ mắc COVID-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì...
Thông tin trên được Bộ Y tế tại hội nghị Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 với sự tham dự của các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 16/2.
165 trẻ mắc COVID-19 tử vong
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Đợt dịch thứ 4 khởi đầu ngày 27/4/2021 với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ em.
[Thủ tướng đề nghị Pfizer cung ứng sớm 22 triệu liều vaccine cho trẻ em]
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại. Riêng đối với trẻ em, cứ mỗi 2 ca tử vong vì COVID-19 sẽ có một trẻ mất người chăm sóc. Số lượng lớn trẻ mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì COVID-19 là một trong những hậu quả của đại dịch. Đây cũng là những nạn nhân đang bị thế giới bỏ quên. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền học tập của trẻ em.
Thống kê của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 đối với trẻ em cho thấy, tính đến từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc của trẻ em dưới 18 tuổi là 19,2% (trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi).
Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13-17 tuổi 0,11%; 6-12 tuổi 0,1% và 0-2 tuổi 0,18%.
“Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng,” Thứ trưởng Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết tính đến ngày 7/2, trong tổng số 516.163 ca mắc COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỷ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%.
Qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện.
Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19, thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ trong tình trạng nặng, nguy kịch.
Theo tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, rất may số tử vong ở trẻ em ít. Tuy nhiên không thể chủ quan, phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này nhiễm COVID-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn..
Theo các chuyên gia nhi khoa, thời gian gần đây, đặc biệt khi có biến chủng mới, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em bắt đầu gia tăng. Gần đây một số trường hợp nặng và tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương, những trẻ có nguy cơ cao thường tiến triển nặng cao hơn nhóm khác và một số biến chứng đáng lo ngại.
Kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em
Đến nay, số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.434.205 liều, trong đó: Mũi 1: 8.469.650 liều; Mũi 2: 7.964.555 liều.
Có 42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 57% - dưới 80%.
Bộ Y tế cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể đón học sinh trở lại trường học tập trung ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo Thứ trưởng Sơn, với việc các tỉnh thành đồng loạt cho học sinh đi học lại, dự báo số trẻ mắc COVID-19 có thể tăng, nhất là những em chưa được tiêm vaccine. Do vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng.
Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh khác phù hợp với kịch bản cho từng giai đoạn phát triển của dịch ở từng địa phương.
Chính vì vậy, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về Hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 cho đội ngũ cán bộ y tế và cán bộ giáo dục đào tạo của cả nước.
Về phía y tế cơ sở, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết...
Đối với các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 cũng cần nâng cao năng lực điều trị nhi khoa mắc COVID-19, chuẩn bị sẵn một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cứu tăng...
Tại hội nghị các đại biểu tập trung vào 3 nội dung chính bao gồm: Hướng dẫn xử trí khi phát hiện trẻ em bị mắc COVID-19 tại trường học và tại nhà; Hướng dẫn chăm sóc, điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn xử trí và điều trị trẻ em bị mắc COVID-19 tại các bệnh viện.
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo và các Bộ/ngành liên quan, chỉ đạo hệ thống y tế các cấp triển khai tốt nhất công tác phòng chống COVID-19, thực hiện thành công các mục tiêu về sức khỏe cho trẻ em./.