Gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn vay mua nhà ở xã hội

Người dân muốn mua nhà và doanh nghiệp đang xây dựng nhà xã hội bày tỏ quan điểm và mong chờ nguồn vốn này để khách hàng vay được tiền mua nhà còn chủ đầu tư bán được hàng.
Gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn vay mua nhà ở xã hội ảnh 1(Ảnh minh họa: Quách Lắm/TTXVN)

Gần 1 tháng sau khi Chính phủ có Quyết định 1013/2016 về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội và thời hạn hiệu lực đến hết ngày 31/12 được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016, nhưng việc tiếp cận dòng vốn vay mua nhà vẫn gặp khó khăn.

Chị Thanh Tâm, quận Long Biên (Hà Nội), là một khách hàng đang chờ đợi vay tiền từ chính sách ưu đãi này để mua nhà ở xã hội chia sẻ sau khi có Quyết định 1013/2016, gia đình chị đã rất hy vọng về cơ hội này.

Tuy nhiên, hai tuần nay chị Tâm đã đến các ngân hàng để hỏi và nhờ cả chủ đầu tư chắp nối, nhưng đều nhận được câu trả lời chưa có tiền để giải ngân và chưa có hướng dẫn cụ thể.

Một số doanh nghiệp đang xây dựng nhà xã hội cũng bày tỏ quan điểm và mong chờ nguồn vốn này để khách hàng vay được tiền mua nhà còn chủ đầu tư bán được hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), nhận xét việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội là rất cấp thiết. Tuy nhiên, bố trí vốn để thực hiện cho vay theo Quyết định của Chính phủ dường như vẫn đang “tắc.”

Cũng bởi vậy, ngày 24/6, HoREA đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất để sớm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo Quyết định số 1013/2016, lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm. Khoản nợ quá hạn, lãi suất được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Các đối tượng được vay ưu đãi bao gồm: người thu nhập thấp, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức…

Riêng đối với người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Bộ Xây dựng cho biết đến nay các địa phương mới chỉ có 145 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với 58.500 căn hộ hoàn thành và có 174 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô 139.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 56.800 tỷ đồng.

Đối với các căn hộ đã hoàn thành, hầu hết các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã ký hợp đồng cam kết vay trước thời điểm 31/3.

Đối với 139.000 căn hộ của các dự án đang triển khai, hầu hết chưa đến giai đoạn huy động vốn vì phải đợi hoàn thành phần móng. Do đó, việc giải ngân theo Quyết định 1013/2016 là rất cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.