Giữa các hãng hàng không của Việt Nam đang có sự khác nhau về việc niêm yết giá vé máy bay dẫn đến những "tranh cãi" về phương thức niêm yết và cần phải có sự thống nhất để minh bạch, công khai, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.
Trong khi đó, hành khách cũng rất dễ bị “giật mình” khi giá vé máy bay cơ sở niêm yết ban đầu sẽ bị thay đổi lúc thanh toán do phải cộng thêm các loại thuế, phí.
Giá vé thực luôn cao hơn so với giá niêm yết
Chuẩn bị cho gia đình gồm 4 thành viên đi du lịch, anh Võ Minh Chiến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vào website của các hãng hàng không để khảo giá vé bay đi Đà Nẵng vào ngày 26/9 tới. Trên trang web hiển thị mức giá chỉ là 399.000 đồng nhưng khi kích vào mục đặt vé thì thực tế khách phải thanh toán tổng cộng 923.000 đồng. Thậm chí, nếu đặt sát ngày bay, giá vé có thể sẽ “đội” lên tới cả triệu đồng.
Cảm thấy khó chịu khi thấy giá vé bay thấp vào tính tiền lại phát sinh đủ loại phí thêm, anh Chiến than thở: “Giá vé thực sự so với giá được nhìn trên bảng vé luôn gấp 2-3 lần. Các hãng hàng không nên gộp lại niêm yết đúng tổng giá cần thanh toán, đừng chia ra và cộng lại sau thanh toán để đỡ hiểu lầm.”
[Bộ Giao thông Vận tải không quy định giá sàn vé máy bay nội địa]
Theo anh Chiến, người mua thường ít quan tâm thuế hay phí mà chỉ chú tâm đến tổng số tiền phải trả là bao nhiêu cho mặt hàng hay dịch vụ đó. Mỗi khi cần so sánh giá của các hãng bay lại phải ngồi “cân đo, đong đếm” nên rất mất thời gian.
“Các hãng phải niêm yết giá mà người mua phải trả, tức là đã bao gồm giá vé, các khoản thuế và phí bởi vì người mua không có quyền lựa chọn trả hay không trả loại thuế, phí đó. Còn nếu hãng muốn minh bạch hơn thì có thể chú thích (mở ngoặc) bao gồm thuế và phí. Như vậy, mới là minh bạch và thuận tiện cho người mua và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng,” anh Chiến kiến nghị.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có Vietnam Airlines đang thực hiện niêm yết rõ ràng nhất khi hiển thị ngay từ bước đầu tiên tổng giá đã gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí.
Tuy nhiên, các hãng hàng không khác chỉ mới niêm yết giá vé không bao gồm thuế phí trên website, khách hàng chỉ biết được mức giá cần phải thanh toán (bao gồm các loại thuế phí và lệ phí) khi lựa chọn các mức giá chi tiết.
Điều này dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng về mức giá chênh lệch không chính xác giữa các hãng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tại thị trường. Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị cơ quan chức năng đưa ra giải pháp để thống nhất cách niêm yết giá vé giữa các hãng hàng không.
Một số hành khách cho rằng, các hãng hàng không thế giới đa phần đều niêm yết giá cuối cùng chứ không bao giờ “mời chào” vé chỉ 5 đồng nhưng khi phải thanh toán lên tới 10 đồng. Khách hàng chỉ quan tâm đến giá cuối, đó cũng mới là giá cạnh tranh.
“Việc niêm yết giá vé máy bay cần rõ ràng, minh bạch, áp dụng chung cho toàn bộ các hãng hàng không để có môi trường kinh doanh lành mạnh. Vé xe, vé tàu, vé xem phim khi bán ra đều trọn gói, trong khi ngành hàng không vé bán lại chưa bao gồm thuế, phí,” một hành khách phàn nàn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho rằng, tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí... hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.
“Trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, hiện tại các hãng đang áp dụng cả hai phương thức niêm yết giá trên. Việc lựa chọn phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố của Vietjet (net fare) là không trái luật. Ngược lại, nếu áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch vì khách hàng không biết được cụ thể các yếu tố cấu thành nên giá vé. Thậm chí, khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu hoặc không sử dụng hết như định mức hành lý ký gửi, chi phí suất ăn cố định trên máy bay,” ông Sơn giải thích rõ.
Ngoài ra, theo Vietjet, trong các điều ước quốc tế về hàng không hiện nay cũng mới chỉ quy định những nguyên tắc chung trong việc niêm yết giá chứ không có quy định ràng buộc cụ thể với từng hãng.
Tại Việt Nam, Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar Pacific cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé (net fare). Riêng Vietnam Airlines áp dụng niêm yết giá gộp.
Chiểu theo Nghị định 177/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá và các văn bản pháp luật liên quan, một số chuyên gia nhìn nhận, hiện nay tùy mô hình kinh doanh mà mỗi hãng hàng không có thể niêm yết giá vé máy bay một cách khác nhau.
Cần thống nhất việc niêm yết giá
Thực tế, rất nhiều các hãng hàng không lớn trên thế giới, bao gồm cả hàng không giá rẻ đều đang niêm yết giá đã bao gồm thuế lệ phí như Singapore Airlines, Thai Airways, Malaysia Airlines, Garuda Indonesia, Air Asia, Air France, British Airways, Lufthansa, Easy Jet, Ryanair, Condor, Delta Airways, United Airlines…
Thậm chí, Tổ chức hàng không quốc tế hay các nước đều quy định hành khách cần biết được niêm yết giá trên website đã bao gồm giá vé, thuế, lệ phí máy bay.
Đơn cử, ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế) quy định hành khách có quyền tiếp cận với các thông tin liên quan đến các sản phẩm hàng không được cung cấp trước khi thực hiện việc mua vé, bao gồm giá tổng (giá vé gốc, thuế, phí và các loại thu vượt).
Quy định về dịch vụ hàng không ở châu Âu (EU) yêu cầu giá vé được công khai phải bao gồm các loại thuế, phí, phụ thu… (các khoản thu bắt buộc và thấy trước được) tại thời điểm công khai.
Bộ giao thông Vận tải Mỹ yêu cầu giá tổng bao gồm các loại thuế phải được niêm yết nổi bật trên các sản phẩm quảng cáo bản cứng và trên website. Theo quy định tại “quy tắc quảng cáo vé máy bay,” các hãng hàng không không được niêm yết những khoản mục chi phí (giá vé cơ sở, thuế, phí) một cách nổi bật hoặc ở cùng kích thước với giá vé tổng, để đảm bảo người tiêu dùng hiểu một cách rõ ràng về giá vé cuối cùng họ phải trả, giá vé tổng.
Còn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia, Thái Lan, Singapore... yêu cầu các hãng hàng không phải công khai giá vé cuối cùng tại cả thời điểm quảng cáo và khi vé được bán. Giá vé cuối cùng phải bao gồm giá vé, các loại thuế, phí phụ thu theo luật pháp quy định. Phí cho các loại dịch vụ tăng thêm do khách hàng lựa chọn cũng phải được công khai tại thời điểm khách hàng thanh toán.
Lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho rằng, theo quy định, doanh nghiệp phải niêm yết giá đầy đủ, bao gồm cả các thành phần cấu thành nên giá. Tuy nhiên, Cục Hàng không chỉ quản lý việc kê khai giá, còn cách thức niêm yết do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) quản lý.
[Bộ Giao thông Vận tải áp khung giá vé máy bay nội địa mới từ 1/7]
Tới đây, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sửa Thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng.
Liên quan tới vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, cơ quan này không quản lý cách niêm yết giá của doanh nghiệp. Trong giá vé hàng không, Cục Quản lý giá chỉ là đơn vị góp ý. Phía Cục sẽ tìm hiểu thực tế, rà soát lại kiến nghị của doanh nghiệp và nêu góp ý với Cục Hàng không./.