Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Y tế trong năm 2022

Năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế đã đạt, vượt nhiều chỉ tiêu được Quốc hội giao, điển hình là kết quả công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Y tế trong năm 2022 ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 30/1, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cùng đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm, làm việc với Bộ Y tế nhân dịp đầu Xuân mới Quý Mão 2023.

Cùng đi với đoàn công tác có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Ngành Y tế nỗ lực vượt khó

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão, cũng như cả năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, toàn ngành Y tế, các địa phương và cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm công tác y tế dịp Tết, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, đến thời điểm này, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Công tác khám, chữa bệnh được bảo đảm, tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh. Trong 6 ngày Tết, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật các loại.

Các cơ sở y tế đã chuẩn bị và cung ứng đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh phục vụ cho nhân dân; chưa ghi nhận thông tin phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc...

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức, biến cố đối với ngành Y tế; đặc biệt là sau khoảng 3 năm chống dịch COVID-19 đã phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác y tế. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã hết sức cố gắng, nỗ lực vượt khó để tiếp nối các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước.

Ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92,03% năm 2022 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm).

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Y tế trong năm 2022 ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngành Y tế đã hoàn thành vượt cả 3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao (ước đạt 11,5 bác sỹ, 31 giường bệnh/10.000 dân và 92,03% dân số tham gia bảo hiểm y tế); cơ bản hoàn thành (13/16) chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, “tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành Y tế chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc; cho phép triển khai các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ đó giúp cho ngành Y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau đại dịch."

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã đề xuất với đoàn công tác một số vấn đề: Tiếp tục tăng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần; tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế…; quan tâm đến các quy định liên quan đến lĩnh vực y tế trong nội dung sửa đổi Luật giá, Luật Đấu thầu...

Kịp thời đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trọng thời gian qua, cũng như công sức, trí tuệ, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận “sự hy sinh thầm lặng, cao cả của nhiều bác sỹ, y sỹ, y tá, điều dưỡng và lực lượng trực tiếp chăm sóc, điều trị, phục vụ. Trong dịp Tết cũng có nhiều cán bộ, nhân viên y tế phải túc trực, không được về đoàn tụ gia đình."

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng toàn ngành Y tế đã đạt, vượt nhiều chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó điển hình là kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được nhân dân ghi nhận và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Y tế trong năm 2022 ảnh 3Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển...

[Hệ thống khám, chữa bệnh nỗ lực chuyển mình sau đại dịch COVID-19]

Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng. Việc Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong những ngày đầu tiên của năm 2023, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc là cơ sở pháp lý quan trọng giúp ngành Y tế giải quyết những vướng mắc, khó khăn lâu nay, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận của ngành Y tế, còn có một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm như đời sống của một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, nhất là cán bộ y tế cơ sở; thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm tại các cơ sở y tế công lập; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế chưa được giải quyết kịp thời, triệt để; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng hạn chế; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, ngành Y tế tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để xây dựng các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết căn cơ những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn ngành Y tế nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, “càng khó khăn càng phải đoàn kết." Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải hành động theo lời dạy của Bác Hồ "thầy thuốc như mẹ hiền" và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ.

Bộ Y tế cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời khẩn trương tham mưu Chính phủ để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để kịp thời đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 1/1/2024.

Với các kiến nghị của Bộ Y tế đối với Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo xem xét, và giải quyết theo thẩm quyền nhằm tạo điều kiện cho Bộ Y tế hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả của ngành Y tế trong năm 2022 ảnh 4Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành Y tế trong triển khai nhiệm vụ năm 2022, tập trung thảo luận nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Y tế cần tập trung thực hiện trong năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách của ngành Y tế; đề nghị thời gian tới, ngành cần tập trung rà soát, đánh giá lại các cơ chế, chính sách của ngành, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư y tế, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục