Giá dầu phiên giao dịch 8/5 giảm nhẹ trên thị trường châu Á

Trong phiên giao dịch ngày 8/5 tại thị trường châu Á, hoạt động chốt lời của nhà đầu tư đã khiến giá dầu hạ nhẹ sau khi chạm mức cao nhất ba năm rưỡi trong phiên trước đó.
Giá dầu phiên giao dịch 8/5 giảm nhẹ trên thị trường châu Á ảnh 1Một trạm xăng ở Jakarta, Indonesia. AFP/TTXVN. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 8/5 tại thị trường châu Á, hoạt động chốt lời của nhà đầu tư đã khiến giá dầu hạ nhẹ sau khi chạm mức cao nhất ba năm rưỡi trong phiên trước đó.

Hiện giới đầu tư đang chờ đợi xem Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không, động thái có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.

Tại thị trường châu Á, giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) giao kỳ hạn giảm 0,9% so với phiên trước đó, xuống 70,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng lùi 0,7%, xuống 75,64 USD/thùng.

Theo giới quan sát, giá dầu tăng trong phiên trước do thị trường lo ngại về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế Venezuela và ngành dầu mỏ nước này, cũng như khả năng Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa có thể sẽ quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

[Giá dầu lên mức cao nhất 4 năm do lo ngại Mỹ tái trừng phạt Iran]

Tổng thống D.Trump đã đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho JCPOA là ngày 12/5 tới, sau đó Washington sẽ chính thức đưa ra quyết định "đi hay ở". Tuy nhiên, trên trang Twitter cá nhân, ngày 7/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thông báo quyết định của mình về việc liệu có rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không vào lúc 14 giờ ngày 8/5 theo giờ địa phương, tức 1 giờ sáng 9/5 theo giờ Việt Nam.

Stephen Innes, Giám đốc doanh nghiệp môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran có thể đẩy giá dầu tăng thêm đến 5 USD/thùng.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.