Theo giới quan sát, Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc chạy đua về thu mua các loại hàng hóa khan hiếm để tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, qua đó đẩy giá cả những loại hàng hóa này leo thang.
Và diễn biến này đang có nguy cơ làm các kế hoạch phục hồi của Bắc Kinh đi chệch hướng.
"Cơn sốt" trên thị trường hàng hóa
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy thoái vào năm ngoái khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
Quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này đã đưa ra kế hoạch chi tiêu trị giá 500 tỷ USD, trong đó chủ yếu là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhưng giới chức Trung Quốc đang lo lắng về tình hình giá các loại hàng hóa tăng vọt.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc - “thước đo" mức biến động chi phí nguyên liệu của các nhà chế tạo - trong tháng 4/2021 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ một năm trước.
[Chuyên gia: Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi không đồng đều]
Mặc dù số liệu so sánh có thể không tương xứng do tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng đây vẫn là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2017 và là một bước nhảy vọt so với con số 4,4% của tháng Ba.
Giá của mọi loại hàng hóa cần thiết cho giai đoạn bùng nổ phát triển cơ sở hạ tầng thời hậu đại dịch của Trung Quốc, từ thép, than đến kính và xi măng, đều đang tăng vọt. Giá thép cây, một loại thép dùng để gia cố bêtông, gần đây đạt 6.200 nhân dân tệ (965 USD)/tấn tại thị trường Thượng Hải, tăng 40% trong năm nay và là mức cao kỷ lục mới.
Quặng sắt, được sử dụng để sản xuất thép, cũng tăng lên 1.240 nhân dân tệ (194 USD)/tấn trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Đại Liên, đánh dấu mức tăng 25% kể từ đầu năm.
Giá than nhiệt, kính và nhôm đang đạt mức cao nhất từ trước tới nay ở Trung Quốc. Giá tấm thạch cao cũng đang đi lên. Tình hình cùng giá thép đã trở nên trầm trọng đến mức các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải phát đi cảnh báo về thiệt hại cho nền kinh tế.
Ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi của ngân hàng Commerzbank, cho biết không chỉ tại Trung Quốc, giá hàng hóa toàn cầu đang tăng do những gói kích thích của các nền kinh tế lớn đang thúc đẩy nhu cầu.
Trên Sàn giao dịch kim loại London, giá nhiều kim loại cơ bản, bao gồm nhôm và đồng, đã leo lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Còn Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, vốn theo dõi một rổ gồm nhiều loại hàng hóa tương lai khác nhau, đang dao động quanh mức cao nhất trong sáu năm.
Lý do đằng sau tình trạng giá tăng đột biến
Theo giới chuyên gia, tình hình trên thị trường hàng hóa là do một loạt yếu tố kết hợp tạo thành.
Không chỉ do lực đẩy từ ngành xây dựng, giá thép và quặng sắt tăng đột biến còn vì hoạt động sản xuất xe điện, xe lai (hybrid) và pin nhiên liệu cũng gia tăng.
Bên cạnh đó, nỗ lực giảm lượng khí thải carbon của Trung Quốc cũng khiến nguồn cung thép bị thắt chặt.
Trung Quốc đã sản xuất hơn một nửa sản lượng thép của thế giới vào năm ngoái và Bắc Kinh gây áp lực buộc ngành công nghiệp này phải giảm sản lượng để theo đuổi mục tiêu đưa mức phát thải carbon xuống 0 vào năm 2060.
Một cuộc chiến thương mại gay gắt giữa Trung Quốc và Australia cũng có thể tác động đến giá nhiều hàng hóa.
Năm 2020, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều rào cản đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Australia, bao gồm cả than.
Dù một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Canberra là quặng sắt đã được miễn trừ, Bắc Kinh vẫn đang tìm cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào nước này.
Mục tiêu của Trung Quốc có bị ảnh hưởng?
Một cuộc khảo sát gần đây do 100njz.com, nhà cung cấp dữ liệu về ngành xây dựng Trung Quốc thực hiện với 460 công ty cho thấy nhiều công ty đang cảm thấy khó khăn.
Khoảng 56% nói rằng giá hàng hóa tăng đã ảnh hưởng đến lịch trình làm việc của họ nhiều mức độ khác nhau. Trong số đó, 30% cho biết họ phải tạm dừng thi công để kiểm soát chi phí, số còn lại đều có dự án chậm tiến độ.
Ngoài ra, 44% số công ty được hỏi cho biết mặc dù vẫn đang tiến hành xây dựng theo kế hoạch, họ đã phải cắt giảm việc mua thép. Điều này có thể khiến các công ty cân nhắc tạm dừng thi công trong tương lai.
Theo chuyên gia Luo Zhiheng của công ty tư vấn Yuekai Securities, đây cũng là một tin xấu đối với thị trường việc làm. Chuyên gia này lưu ý rằng các doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn với giá cả tăng cao trong khi họ tạo ra tới 80% việc làm tại khu vực thành thị của đất nước.
Cũng theo chuyên gia của Yuekai Securities, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2021 của thanh niên từ 16 - 24 tuổi vẫn ở mức cao là gần 14%.
Số giờ làm việc của nhóm lao động này cũng giảm, có thể do các doanh nghiệp nhỏ phải hoạt động thấp hơn công suất thực tế vì áp lực tăng chi phí.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu tỏ ra lo ngại về chi phí gia tăng và khả năng giá tăng phi mã có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần đề cập đến "giá hàng hóa tăng" và áp lực đối với các doanh nghiệp nhỏ trong các cuộc họp cấp nhà nước gần đây.
Nguy cơ là rất lớn: Trung Quốc cần tăng trưởng khoảng gần 5% mỗi năm trong thập kỷ tới để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trở lên và tạo thêm 11 triệu việc làm mới trong năm nay.
Giữa bối cảnh đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng trước đã phát biểu trong cuộc họp với các giám đốc điều hành doanh nghiệp rằng đảm bảo việc làm là "nền tảng quan trọng để ổn định nền kinh tế.”
Ông đồng thời nói thêm rằng Chính phủ sẽ cố gắng giúp hạn chế chi phí nguyên vật liệu cho doanh nghiệp.
Trung Quốc đã có nhiều động thái để thực hiện hóa cam kết của mình, bao gồm hạn chế xuất khẩu thép, yêu cầu doanh nghiệp ấn định giá hợp lý, thắt chặt các quy tắc trên sàn giao dịch đối với các hợp đồng thép hoặc than.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng sẽ rất khó để Trung Quốc bình ổn giá hàng hóa thành công mà không ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác.
Các nhà phân tích của Citi đã viết trong một báo cáo nghiên cứu mới công bố ngày 17/5 rằng Bắc Kinh có thể sẽ "hết các lựa chọn" để kiềm chế lạm phát, trừ khi họ thu hẹp những mục tiêu khác như bảo vệ môi trường.
Nhưng nhóm chuyên gia Citi lại không dự đoán Bắc Kinh từ bỏ chương trình nghị sự về môi trường, vốn có "ưu tiên cao hơn" so với rủi ro lạm phát.
Theo chuyên gia Louis Kuijs của Oxford Economics, tình trạng giá hàng hóa tăng cao cho thấy mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để ổn định nền kinh tế và việc thay đổi hướng đi của nước này có thể khó khăn như thế nào./.