Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết giá lợn hơi tiếp tục giảm và tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng.
Đặc biệt, có một số địa phương do giãn cách xã hội giá dưới 40.000 đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.
Trong 9 tháng năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm. Đặc biệt, tháng Ba và Tư, lợn hơi có giá bình quân từ 70.000-75.000 đồng/kg, đến tháng Bảy và 8/2021 giá bình quân còn từ 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành từ 45.000-50.000 đồng/kg. Chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg.
Như vậy, với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.
Cùng với đó, đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng nhu cầu thị trường các sản phẩm gia cầm cũng giảm. Bởi, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao.
Đặc biệt, tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng Tám và Chín chỉ tiêu thụ được từ 5-10% gà công nghiệp trắng.
[Doanh nghiệp chăn nuôi đón đầu cơ hội nhờ áp dụng mô hình 3F]
Trong tháng Tám, các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng ứ đọng trên 9,3 triệu con, khối lượng khoảng trên 3,8 kg/con, trong khi bình thường xuất chuồng từ 1,8-2,5 kg/con, gà lông màu tiêu thụ được khoảng 70%.
Tình trạng này làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều.
Nhìn chung, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều do khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, một số nhà máy giết mổ, chế biến, chợ truyền thống, chợ dân sinh phải đóng cửa... đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi ứ đọng quá tuổi, người chăn nuôi tăng nguy cơ thua lỗ.
Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định./.