Liên quan đến dự thảo đề xuất về khung giá trần, giá sàn hàng không, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu đánh giá nhưng thận trọng, khoa học để có đề xuất chính thức lên Bộ.
“Bộ Giao thông Vận tải không bao giờ đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ,” Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo quý 1/2017 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều nay (5/4).
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giá trần và giá sàn hàng không là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng không, đặc biệt là người dân với tư cách là hành khách. Do vậy, ông Thanh khẳng định đây không phải đề xuất của cơ quan quản lý Nhà nước mà là một hãng hàng không. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm trả lời, nghiên cứu đánh giá của hãng hàng không về nâng giá trần và bổ sung giá sàn.
[Khách hàng sắp hết cơ hội săn vé máy bay nội địa siêu rẻ?]
Để nghiên cứu và đánh giá, ông Thanh cho biết, giá trần, giá sàn vé máy bay liên quan đến cả hệ thống pháp luật về hàng không, về giá và Luật cạnh tranh, điều tiết vĩ mô của Nhà nước về thị trường, đặc thù thực tiễn của ngành hàng không trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng lợi ích của người dân được tiếp cận loại hình hàng không.
“Bộ Giao thông Vận tải giao Cục đánh giá nghiên cứu, đánh giá về khung giá trần, giá sàn vé máy bay nhưng thận trọng, khoa học và cầu thị lắng nghe rộng rãi ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp để có đề xuất chính thức lên Bộ,” Cục trưởng Cục Hàng không nhấn mạnh.
Giải thích rõ hơn, người đứng đầu ngành hàng không nhìn nhận, công cụ điều tiết giá trần sàn phải nói đến Luật Hàng không năm 2006 về khung giá được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, Luật hàng không 2016 giao cho Bộ Giao thông Vận tải về khung giá cho các hãng hành không quyết định khung giá. Quốc hội cho phép các công cụ trực tiếp về điều hành giá, tuy nhiên việc áp dụng cần có sự đánh giá hết sức kỹ.
“Cục Hàng không nhiều lần kiến nghị trong điều kiện kinh tế thị trường không nên áp dụng giá trần nhưng Quốc hội cho rằng đây là ảnh hưởng đến lợi ích của người dân nên vẫn ban hành giá trần. Vì thế, dự thảo tới có thể xảy ra nhiều kịch bản trường hợp như giữ giá trần hay bổ sung giá sàn, bỏ giá trần giữ giá sàn, bỏ cả giá trần và sàn,” ông Thanh tiết lộ.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định thực tế giá trần, giá sàn đã có trong khung giá dịch vụ. Vậy có nâng giá trần hay quy định giá sản? Bộ giao Cục Hàng không căn cứ vào các hãng hàng không quốc gia, khu vực và trên thế giới để có tham mưu đề xuất, trên cơ sở ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia với mức giá hợp lý nhưng cũng tránh trường hợp giá vé thấp thì các hãng hàng không lỗ.
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải tính đến bài toán kinh tế vừa tăng cường dịch vụ để người dân đi lại nhưng cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không tồn tại và phát triển,” Thứ trưởng Trường khẳng định.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cũng nhấn mạnh, Bộ Giao thông Vận tải không bao giờ đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, đảm bảo lợi nhuận dựa vào chất lượng dịch vụ theo đúng yêu cầu của Chính phủ là giảm giá nhưng tăng chất lượng dịch vụ.
“Các hãng hàng không có giá vé khuyến mại 0 đồng. Trên thế giới, các nước đều có chính sách khuyến mãi vào đúng mùa lễ hội chứ không riêng mùa thấp điểm, đó là phương thức trong kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước không bảo hộ cho một hãng hàng không. Việc thay đổi giá vé 5% là quyền của doanh nghiệp,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Trả lời câu hỏi vì sao báo cáo Chính phủ quyết định về giá trần và giá sàn máy bay, Thứ trưởng Trường lý giải, hiện nay thị trường đa dạng hóa các hãng hàng không (gồm hàng không tư nhân, hàng không quốc gia, sắp tới có thêm hàng không tư nhân quốc tế tham gia) để Chính phủ nắm được chủ trương chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành để có thống nhất có cái nhìn tổng quát trong giai đoạn sắp tới.
[Bộ Giao thông xin ý kiến Thủ tướng việc tăng giá vé hàng không]
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. Ngoài các khung giá vé trần đang quy định, dự thảo cũng đề xuất xây dựng giá sàn vé máy bay.
Hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã đề xuất bỏ mức sàn 0 đồng của giá vé hàng không. Trong khi đó, Vietjet Air cho rằng đề xuất đó là không phù hợp.
Nếu dự thảo được thông qua, khả năng hành khách sẽ hết cơ hội “săn vé máy bay” siêu rẻ cho các đường bay nội địa./.