Gần một tháng nay, số lượng bệnh nhân nhập viện do xuất huyết tiêu hóa ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng cao, ghi nhận nhiều ca bệnh nặng khiến các bệnh viện quá tải.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gần 3 tuần trở lại đây, mỗi ngày Khoa phải tiếp nhận 5-10 ca xuất huyết tiêu hóa nặng.
Có trường hợp diễn tiến bệnh nhanh phải nội soi cấp cứu, truyền máu, huyết tương tươi và tiểu cầu.
Nằm tại khoa Cấp cứu, anh Nguyễn Ngọc Toàn, tạm trú phường Xuân An, thành phố Long Khánh, đang phải điều trị do xuất huyết tiêu hóa, đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng anh phải nhập viện cấp cứu do cùng một căn bệnh.
Anh Nguyễn Ngọc Toàn cho biết do tính chất công việc, anh thường xuyên phải tiếp xúc với rượu bia nên khoảng giữa tháng Chín năm nay, anh đã phải đi cấp cứu do xuất huyết tiêu hóa.
Sau đó, anh đã quyết tâm bỏ rượu bia nhưng do stress và mất ngủ nên tình hình sức khỏe không được cải thiện.
Khoảng 4 giờ ngày 3/12 vừa qua, anh đi vệ sinh thấy phân đen nên vội vàng đi cấp cứu ngay do lần trước bệnh của anh cũng có dấu hiệu này.
Bác sỹ Hồ Chí Chung, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, may mắn bệnh nhân Toàn đến bệnh viên cấp cứu sớm nhưng các bác sỹ vẫn phải truyền gần 1 lít máu do bệnh nhân mất quá nhiều máu.
Bên cạnh đó, bác sỹ phải nội soi dạ dày tìm chỗ chảy máu và kẹp 4 clip (dụng cụ kẹp chỗ viêm loét dạ dày gây chảy máu) để cầm máu.
[Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nguy kịch]
Bác sỹ Hồ Chí Chung cho biết thêm, hiện tượng đi ngoài phân đen như bệnh nhân Toàn chính là lượng máu đã mất từ dạ dày và được tiêu hóa phân hủy thành phân rồi đưa xuống hậu môn. Điều đáng chú ý hơn, năm nay, tỷ lệ mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa ở người trẻ tuổi cao hơn, nhiều trường hợp nặng nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Đang điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, anh N.T.V, 29 tuổi, ngụ tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, vào viện trong tình trạng nôn ra máu, phải truyền máu cấp và nội soi dạ dày tìm chỗ chảy máu để kẹp cầm máu.
Tuy nhiên, bệnh nhân không chịu hợp tác với bác sỹ để tiến hành nội soi dạ dày nên dẫn đến tình trạng chảy máu ngày càng nghiêm trọng. Do đó, các bác sỹ phải đưa bệnh nhân lên phòng mổ đặt nội khí quản, nội soi dạ dày và phải kẹp đến 7 clip (người bình thường chỉ kẹp 2 clip).
Theo bác sỹ Huỳnh Phúc Hưng, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa 1 Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gần một tháng nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hóa tiếp nhận 10 bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa khiến các phòng bệnh luôn trong tình trạng quá tải.
Các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa thường do uống quá nhiều rượu bia, xơ gan, sử dụng thuốc giảm đau. Trong đó, tỷ lệ người trẻ bị xơ gan do uống rượu bia lâu năm, dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa cấp chiếm đến 50%.
“Đa phần bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa đều có thâm niên uống rượu hoặc stress, hút thuốc lá và thức đêm.
Gần Tết, là dịp mọi người phải tiếp xúc nhiều với rượu, bia do các cuộc hội họp, gặp mặt cuối năm nhiều nên tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do xuất huyết dạ dày cấp tăng cao” bác sỹ Huỳnh Phúc Hưng cho biết.
Việc điều trị cho các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa rất phức tạp, tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Có những trường hợp bệnh nhân phải nằm điều trị tại bệnh viện cả tháng do có nhiều tổn thương, có nhiều ca xuất huyết dạ dày nặng, phức tạp khiến người bệnh tử vong.
Các bác sỹ khuyến cáo người dân nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, hạn chế uống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra./.