Gia tăng số lượng các tổ chức vi phạm luật đất đai

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã phát hiện gần 9.000 tổ chức vi phạm với hơn 137.600 ha đất.
Gia tăng số lượng các tổ chức vi phạm luật đất đai ảnh 1Gần 9.000 tổ chức vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất, với diện tích hơn  137,6 nghìn hécta. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 3 năm (2010 - 2013) triển khai thực hiện Chỉ thị 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất,” các tỉnh, thành phố đã phát hiện hơn 8.900 tổ chức vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất, với diện tích 137.651 ha.

Đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý được hơn 5.000/8.909 tổ chức (đạt 62,60%), với diện tích đất hơn 114.177 ha/137.651 ha (đạt 82,90%). Trong đó, các tỉnh đã thu hồi đất của 939 tổ chức với diện tích trên 44.860 ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 564 tổ chức với diện tích hơn 28.000 ha.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện các tỉnh, thành phố đang tiếp tục xử lý 1.798 tổ chức với diện tích gần 24.800 ha và xử lý khác đối với 1.881 tổ chức (yêu cầu đưa đất vào sử dụng, cho phép chuyển mục đích, điều chỉnh xây dựng, xử lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) với diện tích hơn 16.500 ha.

Về xử lý tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã thu hơn 61 nghìn tỷ đồng của 47 tổ chức nộp vào ngân sách nhà nước. Các tỉnh cũng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 3.900 tỷ đồng của 245 tổ chức. Số tiền xử lý khác đối với 38 tổ chức là gần 62.860 tỷ đồng.

Đối với việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các địa phương đã thực hiện dứt điểm, đạt tỷ lệ tương đối cao và cơ bản được người dân đồng thuận. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc trong thời gian ngắn nhất, kịp thời xử lý các điểm nóng phát sinh...

Đến nay, các địa phương cũng đã chấn chỉnh kịp thời và nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu biết về pháp luật đất đai của người sử dụng đất. Điển hình như tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định, kết luận giải quyết 336/368 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,3%; tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu giải quyết được 38/46 vụ việc, đạt tỷ lệ 82,61%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.