Ngày 29/9, Hội nghị An toàn Giao thông Việt Nam 2023 bước vào ngày làm việc thứ hai với các phiên thảo luận về an toàn giao thông đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải, vấn đề người tham gia giao thông.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ trong thẩm duyệt và nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy phần ngầm Dự án tuyến Đường sắt Đô thị Thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; thực trạng an toàn giao thông đường sắt và giải pháp; đánh giá một số chỉ tiêu về an toàn chạy tàu và tính tiện nghi hành khách tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; ngăn ngừa tai nạn nghiêm trọng đường sắt đô thị; nguy cơ ma túy và chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…, cùng các nghiên cứu chuyên sâu về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết hiện cả nước có 7 tuyến đường sắt chính, đi qua 34 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.143km (trong đó có 2.632km đường chính tuyến, 403km đường ga, 108km đường nhánh).
Riêng tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài 1.727km, chiếm hơn 65 % đường sắt chính tuyến trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam. Đảm bảo an toàn giao thông, an toàn giao thông đường sắt nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là khi số vụ tai nạn đường sắt đang có xu hướng tăng.
Năm 2022, cả nước xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 85 người, bị thương 126 người, trong đó có 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 83 vụ tai nạn nghiêm trọng, 132 vụ tai nạn ít nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 73 vụ (51%), tăng 13 người chết (18,1%) và tăng 54 người bị thương (75%).
6 tháng đầu năm 2023, xảy ra tổng số 92 vụ tai nạn (nguyên nhân khách quan 86 vụ, nguyên nhân chủ quan 6 vụ), làm 49 người chết, 41 người bị thương. Trong khi đó, năm 2022, có 387 vụ do khách quan và 380 vụ do chủ quan. 6 tháng đầu năm, con số tương ứng là 139 và 151.
Nếu tổng hợp cả các vụ tai nạn và sự cố giao thông đường sắt, năm 2022, có 368 vụ có nguyên nhân từ phương tiện, thiết bị; 15 vụ do con người, 4 vụ do hệ thống quản lý và 596 vụ do các yếu tố khác. 6 tháng đầu năm 2023, có 153 vụ liên quan đến phương tiện, thiết bị; 4 vụ do con người và 225 vụ do các yếu tố khác.
[Hải Phòng: Va chạm tàu hỏa, ôtô bị văng xa khiến 5 người thương vong]
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát các đường ngang và thực hiện việc tổng kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp toàn bộ hệ thống mặt lát đường ngang, bổ sung các thiết bị đảm bảo an toàn, cọc mốc, biển báo, đóng lối đi tự mở...
Tại vị trí các đường ngang do người dân địa phương tự mở, ngành Đường sắt đã lập rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc người dân tự tháo dỡ và đi lại, bất chấp nguy hiểm. Do vậy, tình hình tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt được Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu ra là tăng cường kỷ cương, kỷ luật về an toàn chạy tàu; nghiên cứu, đầu tư, trang cấp trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện làm việc cho người lao động; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng sửa chữa định kỳ; xóa lối đi tự mở.
Thảo luận về chủ đề ngăn ngừa tai nạn nghiêm trọng đường sắt đô thị, Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Cường (Trường Cao đẳng Đường sắt) cho biết đường sắt đô thị đang được triển khai xây dựng và vận hành khai thác ở Việt Nam hiện nay là các tuyến độc lập không có giao cắt đồng mức, đều được lắp đặt công nghệ hiện đại của thế giới, hỗ trợ phòng vệ đoàn tàu, giám sát an toàn hệ thống, giám sát tốc độ chạy tàu, góp phần quan trọng ngăn ngừa tai nạn giao thông đường sắt, giảm thiểu lỗi do vận hành.
Việc ngăn ngừa những tai nạn này dựa trên tiền đề chính là thiết bị hoạt động tốt. Để giữ cho các chức năng của thiết bị hoạt động chính xác, điều quan trọng là phải ngăn ngừa những sai lầm của nhân viên bảo trì.
Hơn nữa, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam mới được khai thác từ tháng 11/2021 đến nay, kinh nghiệm vận hành và bảo trì thiết bị còn hạn chế, thiết bị mới còn đang trong giai đoạn bảo hành.
“Thiết bị, công nghệ có hiện đại đến đâu cũng không tránh khỏi sai sót, sự cố. Cần có biện pháp ngăn ngừa tai nạn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt đô thị," ông Cường nói.
Theo ông, việc bảo trì đầu máy, đường ray hoặc tín hiệu không đúng cách có thể dẫn đến va chạm tàu hoặc trật bánh trong trường hợp xấu nhất.
Việc đứt dây liên lạc có thể làm gián đoạn hoạt động của tàu trong nhiều giờ. Để ngăn ngừa tai nạn do bảo dưỡng đầu máy và thiết bị không đúng cách, cần thiết lập một kế hoạch bảo trì với các quy tắc rõ ràng và tuân thủ nghiêm ngặt.
Ngoài ra, sử dụng vật tư thay các bộ phận chính hãng là rất quan trọng để ngăn ngừa tai nạn.
Bảo dưỡng đường ray là hoạt động thường xuyên góp phần đảm bảo an toàn chạy tàu. Để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và công nhân bảo dưỡng, người giám sát phải được đăng ký thi công, bảo trì, được cho phép lệnh điều độ chạy tàu.
Nhân viên điều độ tàu hoặc nhân viên nhà ga đưa ra cảnh báo thích hợp, có biện pháp phòng vệ khu vực bảo dưỡng. Kết thúc quá trì thi công, bảo dưỡng phải thực hiện nghiêm gặt quy trình kiểm tra thực tế hiện trường trước khi kết thúc, kết thời gian thi công, bảo trì./.