Giải tỏa 182ha đất tái định canh phục vụ Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng

Sau bài viết phản ảnh của phóng viên TTXVN, huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các bước để giải tỏa khu đất 182ha đất tái định canh thuộc Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng bị lấn chiếm.

Một căn nhà vừa xây dựng trên diện tích lấn chiếm từ Khu tái định canh. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)
Một căn nhà vừa xây dựng trên diện tích lấn chiếm từ Khu tái định canh. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Chính quyền huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) chỉ đạo các đơn vị triển khai các bước để giải tỏa khu đất 182ha đất tái định canh phục vụ Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng.

Khu tái định canh này đã bị người dân lấn chiếm suốt 17 năm qua để dựng nhà trái phép, trồng càphê hoặc mua đi bán lại. Tuy nhiên, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương đùn đẩy trách nhiệm, không chịu xử lý.

Cụ thể, ngày 23/5/2024, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm đã có văn bản giao Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng chủ trì, làm việc với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng đo đạc lại ranh giới toàn bộ 182ha đất của khu tái định canh.

Trong đó, phân định rõ phần diện tích khoảng 40ha do các gia đình, cá nhân sử dụng trước thời điểm thực hiện Dự án và chưa được bồi thường, hỗ trợ; đồng thời, thiết lập bản đồ và toàn bộ hồ sơ liên quan theo quy định, báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm kết quả thực hiện trước ngày 20/6/2024.

Kinh phí thực hiện phần việc này do Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng chi trả.

Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm giao Ủy ban Nhân dân thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Phú, Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng phối hợp, cử người tham gia cùng với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng trong quá trình đo đạc, lập hồ sơ, kiểm kê chủ sử dụng đất, hiện trạng toàn bộ diện tích 182ha đất của khu tái định canh.

lan chiem khu tai dinh canh2.jpg
Khu tái định canh Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng bị lấn chiếm hàng chục năm qua. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức họp Hội đồng tư vấn pháp luật để có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thời gian thực hiện sau 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, tài liệu do Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng bàn giao. Ủy ban Nhân dân thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Phú quản lý chặt chẽ phần diện tích trên địa bàn thuộc 182ha đất khu tái định canh trên, không để xảy ra tình trạng khai thác đất, sang nhượng, xây dựng công trình trái phép tại khu vực này.

Trước đó ngày 7/5/2024, phóng viên TTXVN có bài viết “182ha đất tái định canh bị lấn chiếm chưa thể thu hồi sau 17 năm.”

Nội dung phản ánh, năm 2006, tại huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng khu tái định canh cho người dân mất đất sản xuất khi triển khai Dự án Bauxite-Nhôm Lâm Đồng.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này không được sử dụng cho mục đích tái định canh như mục tiêu đề ra và bị người dân lấn chiếm suốt 17 năm qua để dựng nhà trái phép, trồng càphê hoặc mua đi bán lại…

lan chiem khu tai dinh canh3.jpg
Một lô đất lấn chiếm trong Khu tái định canh được rào cẩn thận. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm tiếp quản khu tái định canh trên, giải tỏa vô điều kiện những trường hợp lấn chiếm đất; song nhiều năm qua, việc bàn giao, tiếp nhận và cưỡng chế giải tỏa khu tái định canh này chưa thực hiện được.

Ban Quản lý Dự án không có thẩm quyền để cưỡng chế, xử phạt, giải tỏa người lấn chiếm. Trong khi đó, chính quyền cho rằng, đây là trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án và tuyên bố chỉ tiếp quản diện tích đất trên khi đã giải tỏa xong.

Đến thời điểm này, việc tổ chức thu hồi, giải tỏa diện tích đất bị lấn chiếm mới chỉ thể hiện trên các văn bản qua lại giữa chính quyền địa phương và đơn vị liên quan.

Ngày 12/4/2024, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, phía Tập đoàn đã kiến nghị, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm tiếp nhận và quản lý khu tái định canh phục vụ Dự án Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng theo quy định…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.