Giám sát chất lượng trạm cấp nước để phòng tiêu chảy cấp

Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành giám sát chất lượng nước tại các trạm cấp nước để, tăng cường phòng chống bệnh tiêu chảy cấp.
Giám sát chất lượng trạm cấp nước để phòng tiêu chảy cấp ảnh 1Cán bộ y tế phun thuốc tại khu ổ dịch tiêu chảy. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 12/8, tại hội thảo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát chất lượng nước tại các trạm cấp nước, bởi việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến đường ruột.

Để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, ông Trương Đình Bắc cho rằng, đối với cụm dân cư nghèo, chính quyền địa phương cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây nhà vệ sinh chung cho các hộ sử dụng.

Bên cạnh việc tuyên truyền giữ vệ sinh môi trường, giữ nguồn nước sạch, các Trung tâm Y tế dự phòng cũng cần cung cấp cho nhân dân các địa chỉ bán Cloramin B hay các chất tương tự để xử lý nước, vì Cloramin B không được bán rộng rãi trên thị trường.

Ngoài ra, kết quả khảo sát của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy vi khuẩn tả có trong một số ốc bươu ở khu vực chợ Cầu Xáng (huyện Bình Chánh). Vì vậy, ngành y tế các địa phương cần tuyên truyền cho người dân các thông tin liên quan đến vi khuẩn tả có trong các loại hải sản tươi sống để người dân hạn chế sử dụng thực phẩm hải sản chưa qua nấu chín.

Theo ông Đỗ Mạnh Cường, Đại diện Cục Quản lý môi trường Y tế, số nhà vệ sinh gia đình được xây dựng mới ở vùng nông thôn tăng rất chậm, chỉ được 1% trong 6 tháng đầu năm 2014. Vẫn còn 1,3 triệu gia đình ở nông thôn không có nhà vệ sinh.

Xét về khả năng tiếp cận nhà vệ sinh của các nhóm thu nhập từ năm 2006-2011, số hộ sử dụng nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn ở nhóm người nghèo giảm rất chậm so với các nhóm còn lại do nhiều gia đình nghèo không đủ điều kiện để nâng cấp nhà vệ sinh.

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ kết thúc vào cuối năm 2015, do vậy Sở Y tế các địa phương cần tham mưu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét việc đưa mục tiêu vệ sinh vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của địa phương.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, để giảm bệnh tiêu chảy lây lan qua nguồn nước và tăng số nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn, cần có quy định khi xây nhà cấp 4 phải thiết kế xây dựng nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,7 tỷ người trên thế giới bị bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có khoảng 4-5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì căn bệnh này. Năm 2012-2013, 48 nước phát hiện có trường hợp bệnh tả.

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp như giáo dục an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cá nhân. Số ca mắc bệnh tiêu chảy hiện nay giảm so với năm 2001, chỉ còn trên dưới 500.000 ca tiêu chảy được thống kê.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này vẫn còn cao tại 40 tỉnh, đặc biệt ở khu vực miền núi và đồng bằng sông Cửu Long, do thói quen người dân phóng uế trực tiếp vào môi trường. Tại các đô thị phát triển, kết quả khảo sát cho thấy dịch tiêu chảy cấp thường xảy ra ở các khu vực có dân tạm cư, nhiều ao hồ, khu ô nhiễm cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục