Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường

Theo các chuyên gia, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của virus EV71 khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 1

Thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 42.700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tại 63 tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý trong số trên có hơn 21.000 trường hợp phải nhập viện.

Theo các chuyên gia, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của virus EV71 khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm.

Để hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng và virus EV71 nguy hiểm cũng như, cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, Báo VietnamPlus phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Vì sao bệnh tay chân miệng đang có diễn biến bất thường?”

Các khách mời sẽ tham gia giao lưu trực tuyến:

1. Phó giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Thạc sỹ- bác sỹ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

3. Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Cuba.

Mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho các khách mời về địa chỉ: vietnamplus2008@gmail.com

(Bấm F5 để cập nhật)

Từ đầu năm đến nay đã có sáu trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. Tại các tỉnh phía Nam, trong tháng 8 và tháng 9 có sự gia tăng đột biến, tăng đến 50% so với các tháng trước đó.

Chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến, gấp 5 lần so với trước đây. Tại một số khoa rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân tay chân miệng.

Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 2
Bắt đầu giao lưu trực tuyến về tình hình bệnh tay chân miệng.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 3Các vị khách mời chụp ảnh chung với phóng viên VietnamPlus. (Nguồn: Vietnam+)
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 4Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 5

- Trong thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng được ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế ở các tỉnh khu vực Đông Nam bộ có sự gia tăng mạnh. Phó giáo sư có thể điểm qua về tình hình dịch bệnh tay chân miệng hiện nay tại một số tỉnh đáng lưu ý ở phía Nam?


Phó giáo sư Phan Trọng Lân: Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Gọi là tay chân miệng vì bệnh có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân, miệng. Bệnh thường nhẹ, nhưng một số trường hợp có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Tác gây nhân bệnh là các virút đường ruột, trong đó EV71 và coxsackievirus A16 (CA16) là các tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Mọi người đều có thể cảm nhiễm với virút gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm virút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi.

Người lớn ít bị mắc bệnh có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc trước đây. Vì có nhiều chủng virút đường ruột gây bệnh tay chân miệng nên một người có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần trong đời. 

Bệnh rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ. 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng, lây cho con, cháu. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, cần khoảng 3-7 ngày để các virút gây bệnh tay chân miệng nhân lên và gây ra các triệu chứng bệnh. Người bệnh phát tán virút ra môi trường bên ngoài mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí khi bệnh nhân hết triệu chứng. Virút gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại nhiều ngày ở điều kiện bình thường và nhiều tuần ở nhiệt độ 4oC. Tia cực tím, nhiệt độ cao, các chất diệt trùng như formaldehyt, các dung dịch khử trùng có chứa Clo hoạt tính có thể diệt virút. Hiện nay tay chân miêng chưa có vắc xin phòng ngừa nên cách phòng ngừa hiện nay là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống.

Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Châu Á. Trong hơn 25 năm qua, nhiều vụ dịch đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia như tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei. Nhìn chung các virút đường ruột gây bệnh tay chân miệng có chu kỳ mùa rõ rệt và thay đổi tùy theo khu vực địa lý. Tại các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới có khuynh hướng xảy ra hàng năm với nhiều vụ dịch xảy ra vào mùa mưa. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, 60-80% trường hợp bệnh tại khu vực phía nam, cao điểm từ tháng 8 đến tháng 11.

Khu vực phía Nam, ghi nhận 30.000–80.000 trường hợp mắc hàng năm. Dữ liệu giám sát tại phía Nam năm nay cho thấy bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng từ tháng 8, với ca mắc cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Đặc biệt, số ca mắc gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và hơn 50% so với cùng kỳ.

Có khoảng 1,5% trường hợp thể nặng (phân độ lâm sàng từ 2b trở lên), riêng vụ dịch tay chân miệng năm 2011 con số này lên đến 9%. Tỷ lệ tử vong chung trong tổng số bệnh nhân tay chân miệng dao động từ 0 đến 0,21% từ năm 2011 đến nay. Dù tỷ lệ tử vong ở các ca nặng được ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2018 (4%) cao hơn so với giai đoạn 2012-2017 (1%), bằng ½ tỉ lệ được ghi nhận trong vụ dịch 2011 (9,4%).
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 6

 -Xin bác sỹ cho biết tại Khoa Nhi của bệnh viện, tình hình trẻ mắc bệnh tay chân miệng như thế nào?


Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Cũng giống tình hình chung trên địa bàn và toàn quốc, hiện tại ở bv Việt Nam-Cuba Hà Nội cũng tiếp nhận số bệnh nhân chân tay miệng tăng đột biến. Cách đây khoảng 3-4 tuần trung bình 1 ngày chỉ có 3-4 ca khám bệnh, nhưng con số hiện tại trung bình ngày có từ 8-10 ca đến khám.

Tuy nhiên các ca bệnh ở thể nhẹ, được hướng dẫn theo dõi chăm sóc điều trị tại  nhà.
- Xin Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay tình hình ghi nhận bệnh tay chân miệng trên cả nước ra sao?

Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hùng: Tay chân miệng là bệnh lưu hành ở các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bệnh xảy ra rải rác quanh năm ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi.

Số mắc thường gia tăng vào các tháng cuối năm, từ tháng Chín, thời điểm bắt đầu vào năm học  mới. Trong 9 tháng của năm 2018, cả nước ghi nhận trên 53.000 trường hợp mắc, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Số mắc chủ yếu ghi nhận ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, chiếm 77% tổng số ca mắc bệnh toàn quốc.
-So với cùng kỳ của năm ngoái, bệnh tay chân miệng từ đầu năm đến nay có sự gia tăng hay giảm?

Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hùng: So với cùng kỳ năm 2017, tổng số trường hợp mắc bênh tay chân miệng trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 25%.
-Những tuần gần đây số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng đột biến gây ra áp lực cho các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?

Phó giáo sư Phan Trọng Lân:
Bệnh lưu hành tại khu vực phía Nam, ghi nhận 30.000–80.000 trường hợp mắc hàng năm, cao điểm từ tháng 8 đến tháng 11. Như vậy, hiện nay đang vào mùa. Đến nay, phía nam ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó hơn 18.000 trường hợp cần nhập viện, cao nhất vào tháng 9 vừa qua. Trong số 47.000 trường hợp nêu trên, các bệnh viện trong Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 30.000 trường hợp, (chiếm 63,8% số nhập viện của khu vực phía Nam), trong đó có hơn 10.000 trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác trong khu vực phía nam đến khám và điều trị.

Số mắc tay chân miệng gia tăng, các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ tiếp nhận và điều trị nhiều hơn không chỉ người của thành phố mà còn các tỉnh khác trong và ngoài khu vực phía Nam. Do đó cần chung tay cả cộng đồng kiên trì thực hiện, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh trong từng hộ gia đình, trường học, nhà trẻ thì giảm tỷ lệ mắc, giảm các trường hợp nhập viện, tức là giảm tải cho các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 7Thạc sỹ- bác sỹ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trả lời câu hỏi của độc giả. (Nguồn: Vietnam+)

- Tôi muốn hỏi bác sỹ, bệnh tay chân miệng hay gặp ở lứa tuổi nào?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân:  Bệnh chân tay miệng gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tập trung nhiều ở nhóm tuổi dưới 10, đặc biệt tỷ lệ mắc cao ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo (2-6 tuổi).

 

 

Xin hỏi bác sỹ, đường lây truyền bệnh tay chân miệng là như thế nào?


Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Tay chân miệng là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây từ người sang người theo nhiều con đường. 

Đó là các con đường như qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể lây tiếp xúc trực tiếp từ những mụn nước và nước bọt của người bệnh. Virus gây bệnh tay chân miệng sẽ không lây lan theo cách này khi người bệnh đã hết triệu chứng. Tuy nhiên virus có thể tồn tại trong phân của người bị nhiễm tới 4 tuần sau khi đã hết triệu chứng.

- Đại diện Bộ Y tế có thể cho biết tình hình bệnh tay chân miệng những năm gần đây như thế nào?

Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hùng: Bệnh tay chân miệng lưu hành rộng khắp ở các tỉnh thành trên cả nước với tổng số trường hợp mắc trung bình từ 80.000 đến 120.000 trường hợp mỗi năm.

Sau đợt bùng phát dịch bệnh năm 2011 và năm 2012, từ năm 2013 đến 2016 số mắc tay chân miệng có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, đến năm 2017 số mắc bệnh gia tăng trở lại với trên 100.000 trường hợp. Bệnh thường xuyên lưu hành rộng khắp nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát tại các địa phương, khu vực không đảm bảo vệ sinh môi trường sinh sống, nuôi dưỡng và vui chơi, học tập của trẻ.

Số trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng giảm từ 170 trường hợp năm 2011, 45 trường hợp năm 2012 xuống còn dưới 10 trường hợp mỗi năm, từ năm 2014 đến nay.

-Phó giáo sư Phan Trọng Lân có thể cho biết, liệu có phải bệnh tay chân miệng năm nay có bất thường không?Nguyên nhân vì sao?

Phó giáo sư Phan Trọng Lân: Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm. Điều này tương tự các năm trước, tăng cao từ tháng 8 đến tháng 11. Tuy nhiên, nếu như các năm trước bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây thì hai năm trở lại đây, số bệnh nhân tay chân miệng tăng cao ở các tỉnh miền Đông nam bộ. Hệ thống giám sát của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện có sự thay đổi thứ nhóm gien của vi rút gây bệnh tay chân miệng. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng vi rút EV71). Sự dịch chuyển thứ nhóm gien khiến cho cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh chủng C4 là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71. Như vậy, nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng hiện hữu tại phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 8Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh quá tải vì bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 9Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

- Xin hỏi bác sỹ các biện pháp phòng ngừa, giảm nguy cơ lây truyền bệnh tay chân miệng như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi các bệnh nhi có triệu chứng nghiêm trọng.

Các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyền bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt là sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm-mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn hoặc vật dụng ăn uống.

3. Làm sạch đồ chơi nơi sinh hoạt công cộng (lớp học). Các nhà trẻ mẫu giáo, nơi trông trẻ cần thường xuyên lau sạch bề mặt vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, cầu thang, bàn ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, phân và chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý tốt.

5. Theo dõi, phát hiện sớm: Các trẻ em thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện. Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi trẻ khởi bệnh. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị, hướng dẫn theo dõi kịp thời.

 

-Được biết, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy có sự thay đổi thứ nhóm gien gây ra bệnh tay chân miệng. Xin Phó giáo sư Phan Trọng Lân có thể nói rõ hơn về vấn đề này? Virus Enterovirus 71 là “thủ phạm” gây ra trận dịch tay chân miệng lớn vào những thời điểm trước đó ra sao?

Phó giáo sư Phan Trọng Lân: Hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy trong 2 tháng qua, tỷ lệ vi rút EV71 chiếm 25% số mẫu xét nghiệm bệnh tay chân miệng, so với dưới 1% phát hiện EV71 trong 6 tháng đầu năm. Sự gia tăng đột biến này cũng được ghi nhận trong vụ dịch năm 2011 (từ 32% trong 6 tháng đầu năm lên 56% từ tháng 7 đến tháng 9).

Sự dịch chuyển thứ nhóm gien từ B5 ưu thế trong giai đoạn 2012-2017 sang C4 (của chủng Enterovirus 71 - EV71) khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn. Thứ nhóm gien C4 đang lưu hành ưu thế hiện nay cũng là chủng gây dịch năm 2011 và dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71. Trong 20 năm qua, vụ dịch tay chân miệng lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 170 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đồi sang thứ nhóm gen C4 này. Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gen C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong, tại Campuchia năm 2012 với 54 trường hợp tử vong.

- Nếu trong trường hợp nhà tôi có con bị mắc bệnh tay chân miệng. Xin bác sỹ cho biết, khi trẻ bị bệnh tay chân miệng cần kiêng những gì?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Các cha mẹ hay mắc sai lầm khi kiêng quá kỹ cho bé khi trẻ mắc bệnh.

Khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh cần tắm rửa cho trẻ hàng ngày, vệ sinh răng miệng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước.

 

Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 10Hướng dẫn trẻ rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi vệ sinh tại Trường mầm non phường 1, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

- Con tôi có mấy nốt như phỏng nước ở tay, nhưng miệng lại không có nốt gì, liệu có phải tay chân miệng không thưa bác sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do Enterovirus gây nên, thường gặp ở các tuýp A10, A16 và Enterovirus71. 

Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt, loét miệng, nổi ban trên da. Một số em bé các triệu chứng không điển hình như chỉ  loét miệng đơn thuần hoặc kín đáo, các ban xuất hiện ở nhiều vị trí ngoài lòng bàn tay, bàn chân, có thể xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay, mông, đít.

Trường hợp của trẻ trên thì bạn nên cho con đến bác sỹ nhi khoa khám để chuẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.

 

- Phó giáo sư Phan Trọng Lân có nghĩ dịch tay chân miệng bùng phát là do miễn dịch của cộng đồng giảm?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân: Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành tại phía Nam. Bệnh này tuân theo các quy luật của dây chuyền dịch, dịch lớn có thể xảy ra khi có sự thay đổi trong khối cảm thụ, yếu tố lây truyền và tác nhân gây bệnh. Đến nay, lây qua đường tiêu hóa vẫn là đường lây truyền chính của bệnh tay chân miệng. Nhiều câu hỏi về dịch tễ, yếu tố lây truyền, miễn dịch còn chưa được trả lời rõ ràng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm số mắc, 3 năm qua với tỷ lệ EV71 giảm dần trong các năm qua, hầu hết cộng đồng trẻ dưới 3 tuổi chưa có miễn dịch với EV71 và số trẻ chưa có miễn dịch vì thế cũng gia tăng. Sự dịch chuyển thứ nhóm gien từ B5 ưu thế trong giai đoạn 2012-2017 sang C4 (của chủng Enterovirus 71 - EV71) khiến cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn. Trong điều kiện, mầm bệnh tay chân miệng lưu hành phổ biến tại phía nam trong bối cảnh giao lưu đi lại lớn, góp phần lây lan mầm bệnh nhanh chóng, đặc biệt là từ người lớn nhiễm vi rút không biểu hiện bệnh sang trẻ em.

Một số yếu tố có thể làm gia tăng thêm sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày; nhà trẻ đông người. Đặc biệt là khu vực miền Đông Nam bộ.
-Trước nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng, ngành y tế triển khai các phương án ứng phó ra sao?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân: Những bài học kinh nghiệm từ vụ dịch tay chân miệng năm 2011, các hướng dẫn giám sát, phòng chống, phân độ và điều trị bệnh tay chân miệng thống nhất đã được ban hành và triển khai toàn quốc. Dấu hiệu cảnh báo dịch, thay đổi chủng gây bệnh tay chân miệng đã được ghi nhận sớm hơn từ hệ thống giám sát rộng khắp. Công tác chỉ đạo phòng chống dịch đã được triển khai ngay toàn khu vực, trong trường học. Thêm nữa, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến đã giúp các các ổ dịch, điểm nóng sớm được phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời, qua đó giới hạn sự lây lan của bệnh. Trong các năm qua, công tác điều trị cũng được củng cố qua tập huấn thường xuyên, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc điều trị của tuyến trên xuống tuyến dưới.

Năng lực dự phòng và điều trị đã được tăng cường để sẵn sàng ứng phó dịch tay chân miệng, khống chế không để dịch lan rộng kéo dài và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Tuy nhiên, việc phòng chống bệnh tay chân miệng, bệnh lưu hành, chưa có vắc xin phòng bệnh, đòi hỏi từng thành viên trong cộng đồng, người chăm sóc trẻ, thầy, cô giáo ở nhà trẻ, trường học; phát hiện sớm các biểu hiện nghi ngờ tay chân miệng, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh sinh hoạt, không để cơ hội cho mầm bệnh lây sang các trẻ em, đặc biệt dưới 3 tuổi, góp phần chung tay cùng ngành y tế trong việc giải quyết các bệnh dịch lưu hành.

 - Xin bác sỹ có thể phân tích, tại sao bé nhà tôi khi mắc bệnh tay chân miệng thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, nguyên nhân do đâu?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Triệu chứng giật  mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ. 

Các bậc phụ huynh cần quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu triệu chứng giật mình đi kèm với sốt cao liên tục, khó kiểm soát nhiệt độ, trẻ quấy khóc nhiều, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng viêm não, màng não.

 

Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 11Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng.
-Thời gian gần đây tại nhiều tỉnh phía Nam có sự gia tăng các bệnh nhân tay chân miệng với số lượng lớn và bệnh trong tình trạng nặng. Bộ Y tế có đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hùng: Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh phía Nam nói riêng và các tỉnh thành phố ở các khu vực khác nói chung ghi nhận gia tăng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng so với các tháng đầu năm 2018.

Bệnh tay chân miệng do các loại virút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virút đường ruột khác, trong đó hay gặp là virút đường ruột tuýp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Virút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vọng đặc biệt ở trẻ nhỏ. EV71 từng là nguyên nhân gây ra trên 150 trường hợp tử vong trong đợt dịch năm 2011. Virút này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sang nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Do vậy, trẻ có biểu hiện mắc bệnh cần được đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Tổng số mắc 9 tháng năm 2018 là trên 53.000 trường hợp. Tuy số mắc giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tác nhân gây bệnh EV71 có tỷ lệ cao hơn thời gian trước đây nên làm tỷ lệ bệnh nặng cao hơn.
-Được biết, từ đầu năm đến nay đã có sáu trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. Phó giáo sư Phan Trọng Lân thấy đây có phải là điều đáng quan ngại?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân: So với cùng kỳ năm 2015-2017 chỉ ghi nhận 0-4 trường hợp tử vong thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong. Đa số các bệnh nhân tay chân miệng tử vong trong năm nay không đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi trẻ có dấu hiệu chuyển bệnh nặng mới đưa đến các bệnh viện. Kinh nghiệm từ vụ dịch năm 2011 cũng cho thấy 61% trường hợp tử vong là tự điều trị tại nhà.

Do đó, người dân không nên chủ quan trước bệnh tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, các phụ huynh cần liên lạc với cơ sở y tể để được tư vấn và xử lý kịp thời. Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh, trẻ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút thì cần đưa trẻ khám ngay.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 12Phó Giáo sư Phan Trọng Lân trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu. (Nguồn: Vietnam+)

 - Con tôi đã từng mắc bệnh tay chân miệng. Xin bác sỹ cho biết, trẻ đã mắc tay chân miệng có bị lại hay không?

 
Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Bệnh chân tay miệng gây ra bởi một số tuýp Entero khác nhau. Các tuýp hay gặp nhất là coxsackievirus A16, A6, A10 và Enterovirus 71, vì thế một trẻ có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra 1 kháng thể với 1 loại virus nhất định.

Vì vậy có trẻ một năm có thể mắc hơn 1 lần bệnh tay chân miệng.

 

-Tại sao thể bệnh do EV71 lại gây bệnh cảnh nặng nề hơn các chủng virus khác?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân:Bệnh tay chân miệng gây ra do nhiễm vi rút đường ruột – đây là nhóm siêu vi thường gây nhiễm hệ thần kinh trung ương, có khả năng ngưng trệ bộ máy dịch mã của tế bào, khả năng hủy bào cao và theo đó gây rối loạn chức năng và gây bệnh hệ thống thần kinh trung ương như viêm màng não nước trong, liệt mềm cấp, viêm não... Các virút này còn gây nhiều bệnh khác như viêm cơ tim, viêm tụy, bệnh cơ tim mãn tính.

Trong số các virút đường ruột, EV71 và coxsackievirus A16 (CA16) là các tác nhân gây bệnh phổ biến gây bệnh tay chân miệng. Trong khi nhiễm CA16 thường gây bệnh nhẹ và ít gây biến chứng thần kinh. Nhiễm EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virút này gây nhiễm và tấn công tế bào. Nhiễm virút EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các vi rút đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm virút EV71: 93% trường hợp tử vong tại Trung Quốc năm 2008-2012, 82% trong vụ dịch tay chân miệng tại Việt Nam năm 2011 và 100% trong số các trường hợp tử vong trong năm nay có lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh.

Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa nhiễm virút EV71 tại Việt Nam. Chính vì vậy thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đưa trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất là biện pháp vô cùng quan trọng nhằm phòng ngừa mắc bệnh tay chân miệng và hạn chế các biến chứng gây tử vong của virút EV71.

-Số trẻ bị bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dự đoán số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân: Bệnh tay chân miệng hiện đang vào mùa, với số bệnh nhân thường tăng cao vào tháng 8 đến tháng 11. Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng là hiện hữu tại khu vực phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.
- Hiện nay các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện địa phương đã có phác đồ điều trị, có đủ nhân lực cũng như thiết bị để điều trị bệnh tay chân miệng?

Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hùng: Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng tới tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Đồng thời đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bảo đảm đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng thu dung điều trị các trường hợp bệnh để hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ biến chứng và tử vong do tay chân miệng.
- Xin cho tôi hỏi vì sao tại Thành phố Hồ Chí Minh năm nào tình trạng tay chân miệng cũng dồn dập, nhiều hơn tại khu vực miền Bắc?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân:
Bệnh tay chân miệng lưu hành phổ biến tại phía Nam, chiếm 70% số ca mắc của cả nước. Tại khu vực này, Đông Nam bộ, với tứ giá kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bình Dương-Bà Rịa Vũng Tàu, có điều kiện hạ tầng xã hội và kinh tế phát triển nên thu hút lượng lớn lao động nhập cư từ các vùng/miền trên cả nước. Mật độ dân số lớn, di biến động mạnh dân số, đặc biệt trong các kỳ nghỉ lễ trong điều kiện mầm bệnh luôn sẵn có, lưu hành cao, quanh năm góp phần cho sự lây lan bệnh. Khí hậu nóng, ẩm, mưa tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền nam nói chung cũng tạo điều kiện thuận lợn hơn cho vi rút gây bệnh tay chân miệng phát triển mạnh hơn.

Với bệnh tay chân miệng còn cần tiếp tục nghiên cứu về dịch tễ học, miễn dịch học, yếu tố ảnh hưởng, lây truyền bệnh, vắc xin phòng bệnh. Bệnh tập trung một số vùng, quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam), mặc dù nhiều nơi khác, quốc gia khác cũng có điều kiện khí hậu, môi trường sống, giao lưu đi lại cao, văn hóa, xã hội tương tự.

  - Bác sỹ có thể cho biết, trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhưng nhiều bậc phụ huynh có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như thủy đậu. Vậy phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh khác như thế nào.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Nhiều virus có thể gây các nốt ban đỏ trên da và loét trong miệng. Tuy nhiên có thể phân biệt virus tay chân miệng với cá virus khác bằng: Tuổi của trẻ, bệnh chân tay miệng hay gặp nhất ở nhóm trẻ từ 2-6 tuổi.

Mô hình triệu chứng: Các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao và đau miệng, sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân.

Đặc điểm các nốt ban: Các nốt ban thường nhỏ hơn nốt thủy đậu, thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt. Các nốt ban có kích thước từ 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Một bệnh lý có triệu chứng gần giống với bênh tay chân miệng là viêm miệng do virus herpes. Tuy nhiên bệnh lý này chỉ có loét miệng kèm sưng các nướu lợi, không có phát ban trên da.

 

Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 13
-Trong tháng 8 và tháng 9/2018, các ca bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết liên tục bùng phát ở các tỉnh khu vực phía Nam. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh có lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch sẽ xảy ra?

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân: Đối với Việt Nam nói chung, khu vực phía Nam nói riêng, trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiều bệnh dịch lưu hành, có nghĩa là ghi nhận quanh năm, thì công tác phòng bệnh đòi hỏi phải kiên trì, liên tục, thường xuyên và không chỉ việc của ngành y tế, chính quyền các cấp, mà đòi hỏi cả cộng đồng, từng hộ gia đình, người dân, không phải chỉ khi có dịch mới lo chống dịch. Nếu làm tốt công tác này, thì  dịch bệnh khó có cơ hội để bùng phát và nếu bùng phát thì hạn chế tối đa sự lây lan.

Các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó nhấn mạnh các hoạt động cụ thể mà các địa phương cần triển khai bao gồm: (i) tăng miễn dịch cộng đồng bằng cách tăng cường tiêm chủng thường xuyên, tổ chức rà soát, thống kê đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung cho những đối tượng nguy cơ cao, không để soát đối tượng chưa được tiêm chủng trước đó nhất là các địa phương có di biến động dân cư, tiêm phòng cho nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị; (ii) giám sát phát hiện sớm ca bệnh và xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; (iii) thực hiện nghiêm công tác phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở điều trị; (iv) tổ chức triển khai truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh bằng nhiều biện pháp, qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức, phối hợp với chính quyền địa phương để tiếp cận với các điểm nguy cơ như khu nhà trọ, khu công nghiệp để thông tin đến được cộng đồng; (v) Chuẩn bị trang thiết bị, vật tư hóa chất để sẵn sàng đáp ứng; vi) Tổ chức các đoàn đánh giá công tác chuẩn bị cũng như đáp ứng dịch, tình hình tiêm chủng để có các hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh người dân thực hành vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, lau sạch các dụng cụ tiếp xúc), vệ sinh môi trường sống (dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà, thông thoáng nơi ở/làm việc), vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín uống chín) và tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích.

Đặc biệt với bệnh đã có vắc xin thì người dân cần chủ động tiêm ngừa đầy đủ đúng lịch cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cũng  như tiêm ngừa định kỳ các vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, ho gà… cho trẻ lớn và người lớn. Khi có các biểu hiện bệnh (sốt, nổi ban, ho, sổ mũi, đỏ mắt,…), cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời. Như vậy cả cộng đồng chung tay cùng với ngành Y tế, chính quyền, ban ngành đoàn thể trong hoạt động phòng chống, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 14

 - Hiện nay, trẻ đang mùa tựu trường, để phòng tránh lây nhiễm bệnh tay chân miệng trong trường học, bác sỹ có lời khuyên tới các bậc phụ huynh và các nhà trường như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân: Trường học là một nơi tập trung đông trẻ, vì vậy để phòng tránh lây nhiễm bện tay chân miệng trong các trường học cần lưu ý:

- Về phía cha mẹ học sinh: Cần làm tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, theo dõi, phát hiện sớm để kịp thời điều trị, cách ly, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

- Về phía nhà trường: Thường xuyên giữ vệ sinh lớp học, lau sạch vật dụng, bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà bằng xà phòng hoặc bằng các chất tẩy rửa thông thường.

- Xin bác sỹ có thể cho biết, những trường hợp nào trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì điều trị ở nhà và trường hợp nào cần đưa trẻ đến viện?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân:

-  Với những trẻ điều trị tại nhà:

1.     Đa phần các em bé mắc bệnh chân tay miệng ở thể nhẹ: trẻ sốt có kiểm soát được nhiệt độ, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được  thì được điều trị tại nhà. Trẻ được điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt theo liều bác sỹ kê, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ, bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn betadin, xanhmetylen, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitaman bằng hoa quả tươi và tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.

2.     Những dấu hiệu cảnh báo chuyển độ nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời như: Trẻ sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi trẻ ngủ, quấy khóc liên tục bất thường.
- Bệnh tay chân miệng đang gia tăng trong mùa tựu trường, Bộ Y tế có khuyến cáo các trường học cần làm những gì?

Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hùng: Bệnh tay chân miệng đang gia tăng trong mùa tựu trường và hiện chưa có vắcxin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 6 biện pháp dưới đây.

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Giao lưu trực tuyến: Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường ảnh 15Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn chụp ảnh chung với các vị khách mời. (Nguồn: Vietnam+)
Kết thúc buổi giao lưu trực tuyến "Vì sao bệnh tay chân miệng đang có diễn biến bất thường?" 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục