Gìn giữ hạt giống trước sự thâm nhập của thực phẩm biến đổi gen

Sản xuất sạch với giống cây truyền thống sẽ không cho người nông dân sản lượng lớn ở mỗi vụ thu hoạch, nhưng ngược lại chất lượng sản phẩm được đảm bảo cả về giá trị dinh dưỡng lẫn độ thơm ngon.
Gìn giữ hạt giống trước sự thâm nhập của thực phẩm biến đổi gen ảnh 1Những người nông dân ở Cheolwon, Gangwon, Hàn Quốc liên kết nhau sưu tầm các giống quý của địa phương. (Ảnh: Ông Lee cung cấp)

Đến với triển lãm Tuần lễ Thực phẩm Seoul năm 2016, phóng viên VietnamPlus đã có dịp gặp gỡ rất nhiều nông dân Hàn Quốc. Họ trực tiếp chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thành phẩm, đóng gói sản phẩm và bán tận tay người tiêu dùng.

Chúng tôi dừng chân trước gian hàng của ông Sang Hoon Lee, đến từ Cheolwon thuộc tỉnh Gangwon, Hàn Quốc và bị cuốn hút ​vào câu chuyện hết sức thời sự của ông, về quá trình gìn giữ những hạt giống truyền thống trước sự phát triển lớn mạnh của thực phẩm biến đổi gen.

Công nghệ sinh học phát triển với kỹ thuật biến đổi gen đã tạo ra những giống cây trồng mới có khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất…, nhờ đó mang lại lợi nhuận cao hơn cho quá trình sản xuất. Với những tính năng vượt  trội này, hạt giống biến đổi gen đang tấn công ồ ạt vào đồng ruộng.

Với những người nông dân canh tác truyền thống, ông Lee đã phải kết hợp với các những người nông dân địa phương sưu tầm các giống quý của địa phương mình và tìm tòi cả ở các khu vực khác, lập thành một danh mục hạt giống để duy trì, gìn giữ. Theo đó, họ lập ra các trang liên kết trên internet, kết nối chia sẻ và bán hàng cho mọi người.

Những người như ông Sang Hoon Lee đã phải vất vả hơn trong việc duy trì hoạt động sản xuất thủ công với những sản phẩm truyền thống. Nhưng người nông dân Hàn Quốc rất tự tin, họ dùng thương hiệu cá nhân bảo đảm cho sản phẩm mình sản xuất, do đó trên các bao bì sản phẩm thường có hình ảnh của ông chủ trang trại.

Gìn giữ hạt giống trước sự thâm nhập của thực phẩm biến đổi gen ảnh 2Người nông dân Hàn Quốc dùng thương hiệu cá nhân bảo đảm cho chất lượng sản phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Sản xuất sạch với giống cây truyền thống sẽ không cho người nông dân sản lượng lớn ở mỗi vụ thu hoạch, nhưng ngược lại chất lượng sản phẩm được đảm bảo cả về giá trị dinh dưỡng lẫn độ thơm ngon," ông Lee nói.

Khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, ông Sang Hoon Lee rưng rưng chia sẻ: “Tôi năm nay 68 tuổi và cha của tôi là người Việt Nam sang Hàn Quốc lập nghiệp. Tôi đã hai lần đến Thành phố Hồ Chí Minh thăm người thân và rất mong có điều kiện sẽ lại về thăm quê hương.”

Câu chuyện giữa những người đồng hương mỗi lúc lại trở nên gần gũi hơn, nhìn bàn tay nhăn cùng khuôn mặt già nua song vẫn luôn sáng lên với niềm đam mê lao động, khiến chúng tôi cảm thấy cần phải trân quý nông sản truyền thống hơn nữa.

Gìn giữ hạt giống trước sự thâm nhập của thực phẩm biến đổi gen ảnh 3Ông Lee giới thiệu giá trị dinh dưỡng của gạo trồng theo phương thức truyền thống. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù ông Lee có hai người con gái song không ai kế nghiệp nhà nông, do đó công việc của trang trại chỉ có hai vợ chồng già quản lý. Vườn nhà ông Lee trồng các loại rau và ngũ cốc, mỗi vụ chỉ thu hoạch được khối lượng nhỏ nên ông trực tiếp bán thành phẩm trên trang facebook.com.

Tuy nhiên để nâng cao tính hấp dẫn sản phẩm, ông Lee thường sáng tạo phối hợp các loại ngũ cốc với các màu sắc khác nhau nhằm nâng cao độ hấp dẫn của món ăn đồng thời gia tăng giá trị dinh dưỡng cho thực phẩm.

“Có những đêm tôi chỉ ngủ ba tiếng. Tôi thường thử nghiệm các sản phẩm trước khi đóng gói bán cho khách hàng, như trộn các loại gạo, trộn các loại đậu vào gạo nấu thử, cho đến khi ra được sản phẩm ưng ý,” ông Lee chia sẻ.

Gìn giữ hạt giống trước sự thâm nhập của thực phẩm biến đổi gen ảnh 4Sản phẩm gạo dinh dưỡng phối hợp màu sắc sinh động của lão nông Sang Hoon Lee. (Ảnh: Ông Lee cung cấp)

“Trong số 20 loại hạt giống su hào sưu tầm từ người bản địa của một số địa phương có giống su hào cải xoăn hoang dã. Tôi đã trồng thử nghiệm loại su hào này trong hai năm và bắt đầu năng suất đã gia tăng, vụ này đã cho ra sản phẩm để bán,” ông Lee hãnh diện nói.

Bên cạnh công việc trồng trọt và kinh doanh nông sản, ông Lee còn hỗ trợ các trường đại học giảng dạy về giống cây trồng và giới thiệu phương thức sản xuất truyền thống cho các sinh viên nông nghiệp. Theo ông Lee, đây cũng là cách quảng bá để bảo tồn các loại hạt giống quý cũng như hoạt động canh tác tự nhiên từ lâu đời của người dân Hàn Quốc./.

Ông Lee trao đổi với phóng viên VietnamPlus tại sự kiện Tuần lễ Thực phẩm Seoul năm 2016.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)