Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ" cho người sử dụng đất

Năm 2013, tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm sẽ phải cấp trên 4,3 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tương ứng với hơn 2 triệu ha.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 6/2013, các tỉnh, thành phố trọng điểm sẽ phải hoàn thành tiến độ cấp giấy Chứngnhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương trên cả nước còn chậm.

Thông tin trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại Hội nghị bàn về giải pháp phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu trong năm 2013, giữa Bộ này với Ủy bân nhân dân 22 tỉnh, thành phố trọng điểm, diễn ra chiều 25/3, tại Hà Nội.

Chậm do... tranh chấp, lách luật


Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch, năm 2012, mặc dù các tỉnh, thành phố đã vào cuộc tích cực nhưng nhìn chung tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sửa dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn rất chậm.

Cụ thể, theo đánh giá của Tổng cục đất đai (Bộ Tài nguyên và Môitrường), trong 22 tỉnh, thành phố trọng điểm về cấp giấy chứng nhậnchậm, nhiều nhất là Hà Nội với 168.000 thửa đất và khoảng 500.000 cănhộ, Nghệ An 335.000 thửa, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300.000 thửa và cănhộ, Gia Lai 218.000 thửa, Khánh Hòa và Quảng Ngãi hơn 140.000 thửa, HảiPhòng hơn 100.000 thửa...

Lý giải cho vấn đề này, ông Lịch cho rằng nguyên nhân chính của việc chậm cấp giấy chứng nhận lần đầu ở các địa phương là do kinh phí đầu tư cho thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở địa chính ở phần lớn các tỉnh đều rất hạn chế so với yêu cầu.

"Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều không dành đủ 10% mức tối thiểu tiền thu từ sử dụng đất cho việc cấp giấy chứng nhận theo Chỉ thị 1474/CT-TTg. Ngoài ra, lực lượng chủ chốt thực hiện việc cấp giấy chứng nhận là cán bộ địa chính xã và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, tuy nhiên, lực lượng này còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng…," ông Lịch cho biết.

Cũng theo ông Lịch thì thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận ở một số địa phương thực hiện còn phức tạp, chưa đúng quy định, thời gian thực hiện thủ tục ở nhiều nơi, nhiều trường hợp còn kéo dài, tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận vẫn còn tiếp diễn ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận.

Đề cập đến rõ hơn về những vướng mắc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đất đai cho rằng nguồn gốc sử dụng đất của phần lớn trường hợp tồn đọng là rất phức tạp, bởi tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai kéo dài. "Thông thường, vi phạm phổ biến của đất ở đô thị là chuyển mục đích sử dụng trái phép từ đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng được duyệt," ông Lịch nói.

Cùng với việc lấn chiếm đất công, theo ông Lịch, các dự án nhà ở, nhà chung cư mini tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vi phạm chủ yếu là xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, các dự án này đều chưa làm thủ tục pháp lý về đất đai, hoặc bỏ hoang hóa đất. Nhiều người mua nhà ở để bán kiếm lời nên chưa muốn làm thủ tục để tránh nộp thuế và lệ phí trước bạ.

Sẽ
cấp 4 triệu "sổ đỏ"

Bàn về việc đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để đạt được mục tiêu cấp Giấy chứng nhận cho 85% diện tích đất các loại, Ủy ban nhân dân 22 tỉnh trọng điểm này cần tập trung đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2013 khoảng trên 4,3 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích hơn 2 triệu ha.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy sử dụng đất, các tỉnh phải sớm ban hành quy định giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong cấp giấy chứng nhận đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

“Song song với việc giải quyết các vướng mắc, các tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và xử lý kịp thời khó khăn, cũng như triệt để việc ‘ngâm’ sổ đỏ trong quá trình thực hiện, không để việc cấp giấy chứng nhận bị ách tắc kéo dài,” Thứ trưởng Hiển nói.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hiển đề nghị các tỉnh cần nhanh chóng kiện toàn, tăng cường nhân lực cho hệ thống các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, nhất là cấp huyện; bố trí đủ kinh phí từ ngân sách (bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của tỉnh) cho việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương…

Góp ý về giải pháp cụ thể, nhiều đại biểu của các tỉnh nhấn mạnh vào vai trò chủ động của các cấp có thẩm quyền trong việc hướng dẫn người dân, cũng như thúc đẩy nhanh tiến trình cấp "sổ đỏ" để đạt được mục tiêu Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra.

Cụ thể, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cho rằng cần tập trung vào việc cấp giấy cho các cá nhân, hộ dân để giải quyết triệt để số giấy chứng nhận tồn đọng và tránh gây bức xúc, khiếu kiện.

“Nhiệm vụ này đã được Nghệ An xác định là thẩm quyền của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành thuộc tỉnh,” ông Hồng nói.

Đồng quan điểm này, đại diện tỉnh Đắc Nông cho rằng việc cấp "sổ đỏ" cho người dân là việc làm cấp thiết, đặc biệt đối với một tỉnh có khá đông đồng bào dân tộc Mông vào sinh sống như Đắk Nông.

"Vì vậy, không thể chờ người dân đến để cấp, mà các cấp có thẩm quyền cần phải đồng thuận với người dân, tìm đến dân để cùng tháo gỡ những khó khăn, bất cập về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất," đại diện tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, 22 tỉnh và thành phố trọng điểm việc cấp giấy chứng nhận các loại đất mới chỉ đạt 72,2% tổng diện tích cần cấp; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt 65,6%, đất lâm nghiệp đạt 79,1%, đất ở đô thị đạt 58,6%, đất ở nông thôn đạt 68,3% và đất chuyên dùng đạt 35,9%.     

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.