"Gói 50.000 tỷ đồng là chương trình tín dụng thông thường"

Ngân hàng Nhà nước khẳng định gói hỗ trợ nhà ở 50.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Xây dựng Việt Nam công bố mới đây là chương trình tín dụng thông thường.
"Gói 50.000 tỷ đồng là chương trình tín dụng thông thường" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong thông điệp gửi các cơ quan báo chí chiều ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, gói hỗ trợ nhà ở 50.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố mới đây là chương trình tín dụng thông thường, không có ưu đãi về lãi suất, nguồn vốn do ngân hàng thương mại tự huy động để cho vay, không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Thông điệp này cũng khẳng định, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng này là dự kiến của VNCB, thể hiện quyết tâm của VNCB trong việc tiên phong cùng một số ngân hàng khác triển khai sản phẩm tín dụng "4 nhà."

Việc cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các điều kiện tín dụng thông thường của khách hàng, khả năng huy động vốn của ngân hàng và thỏa thuận của VNCB với các ngân hàng khác trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật liên quan đến toàn bộ quá trình liên kết. Không một tổ chức hay cá nhân nào có lợi thế độc quyền, cơ chế đấu thầu trong xây dựng cơ bản thực hiện theo quy định hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, việc VNCB công bố chương trình tín dụng theo chuỗi liên kết "4 nhà' phối hợp cùng các ngân hàng thương mại là một định hướng phát triển rất có ý nghĩa đối với việc hỗ trợ thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, việc VNCB hợp tác cùng ngân hàng nào, với số tiền bao nhiêu là tùy thuộc vào thỏa thuận của VNCB với các ngân hàng đó.

Theo VNCB, ngân hàng này chỉ cho vay 10.000 tỷ đồng trong "gói tín dụng 50.000 tỷ đồng," tương tự như mức VNCB đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước: Tổng cộng tài trợ 33 dự án, tương đương 10.715 tỷ đồng.

Việc cho vay của VNCB nói riêng và chuỗi liên kết "4 nhà" của các ngân hàng nói chung thực hiện như thông thường; chỉ khác ở chỗ trước đây từng ngân hàng cho vay rời rạc đối với từng chủ thể còn nay có sự liên kết giữa các ngân hàng và các chủ thể để kiểm soát dòng tiền sử dụng đúng mục đích, tạo lập lại niềm tin trong lĩnh vực xây dựng.

Thông điệp trên cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đang chủ trương nghiên cứu đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi liên kết "4 nhà." Theo đó, các ngân hàng ký hợp đồng liên kết bốn bên với chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng để kiểm soát dòng vốn an toàn, hiệu quả.

Việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết "4 nhà" cũng nhằm tạo niềm tin trên thị trường để thúc đẩy các giao dịch kinh tế trong hoạt động đầu tư-xây dựng-kinh doanh bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm bớt tồn kho vật liệu xây dựng và bất động sản.

Phạm vi áp dụng của chương trình sản phẩm tín dụng "4 nhà" mà Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bất động sản mà áp dụng chung trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bao gồm cả một số dự án, công trình giao thông, năng lượng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng mà VNCB công bố nói riêng và chương trình tín dụng "4 nhà" mà Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu triển khai thí điểm hoàn toàn khác và không liên quan đến chương trình hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng xét về các mặt như cơ chế tín dụng, nguồn vốn, lãi suất, thời hạn cho vay và đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên cả hai chương trình tín dụng đều có điểm chung là cùng hỗ trợ thị trường bất động sản, hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho vật liệu xây dựng, giải quyết nợ xấu đúng theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thông qua chuỗi liên kết "4 nhà" cũng như nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm tín dụng mới hiệu quả, có độ an toàn cao nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.