Hà Nội: 49 dự án chậm triển khai phải khẩn trương khắc phục

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa trình UBND Hà Nội chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất và gia hạn để có thời gian khắc phục sai phạm theo quy định pháp luật.
Hà Nội: 49 dự án chậm triển khai phải khẩn trương khắc phục ảnh 1(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội  ngày 8/9, Sở vừa hoàn thành kết luận thanh tra hàng loạt dự án vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất và gia hạn để có thời gian khắc phục sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện thành phố đã ra quyết định thu hồi hơn32.490m2 đất của Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương Phú Đa ở xã Đức Thượng, Hoài Đức; đang lập hồ sơ thu hồi đất vi phạm của dự án xây dựng khu dịch vụ thương mại xã Mỹ Đình do Ủy ban Nhân dân phường Mỹ Đình 2 làm chủ đầu tư, được thành phố giao đất từ năm 2002, với diện tích đất 10.224m2.

Đối với 2 dự án đã có kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trình thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất. Đó là dự án xây dựng trường Trung cấp Nghề Sơn Tây do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đại Dương làm chủ đầu tư, có tổng diện tích đất 60.000m2; dự án xây dựng tháp BVID Diamond (3.344m2) của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại phường Dịch Vọng và phường Mỹ Đình 2. Cả hai dự án này dự kiến thu hồi và giaoTrung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, qua thanh kiểm tra của các đơn vị chức năng, Sở đang đề nghị thành phố gia hạn đối với 49 dự án để có thời gian khắc phục các vi phạm; đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư này phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công công trình, đưa đất vào sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí theo đúng quy hoạch phê duyệt.

Cụ thể, trong số 49 dự án đang được xem xét gia hạn có 13 dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ 12-41 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất ngoài thực địa; trong đó có 8 dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ 12-24 tháng.

Các dự đó như Văn phòng giao dịch, nhà ở chung cư, biệt thự để bán và cho thuê tại phường Hoàng Liệt của Công ty cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu; mở rộng nhà máy sản xuất kết cấu thép Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh; bệnh viện đa khoa quốc tế VIETSING của Công ty cổ phần Y học Rạng Đông; khách sạn và văn phòng cho thuê của Công ty cổ phần Diệp Linh; tòa nhà hỗn hợp CANARY TOWER của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng INDECO...

Năm dự án chậm tiến độ từ 29-41 tháng như Trường mầm non Quốc tế của Công ty cổ phần Devyt tại khu đô thị mới Cầu Giấy; Văn phòng làm việc và trung tâm dạy nghề của Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Sông Đà; khu nhà ở Mai Lâm của Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Ba Đình; trụ sở và văn phòng giao dịch của Công ty Duy Nguyên; khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Quảng cáo-Xây dựng-Địa ốc Việt Hân.

Đối với 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy sấy nông sản, chế tạo biến thế và thiết bị điện của Công ty cổ phần chế tạo biến thế và thiết bị điện Hà Nội và dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần May Thanh Trì, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất thành phố đến hết quý 4 năm nay phải xây dựng xong cơ sở sản xuất, nếu không thành phố sẽ thu hồi đất.

Đáng lưu ý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị thành phố gia hạn thời gian cụ thể là 6 tháng đối với 12 dự án chậm triển khai và yêu cầu chủ đầu tư phải triển khai xây dựng công trình ngay trong quý 4 này.

Có thể liệt kê một số dự án vi phạm điển hình như dự án xây dựng văn phòng làm việc và giới thiệu sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn  Đức Phương, thành phố yêu cầu phải nộp ngay số tiền thuê đất và sử dụng đất còn thiếu vào ngân sách Nhà nước; công trình thương mại dịch vụ, văn phòng, nhà ở và gara cao tầng kết hợp trạm xăng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên; dự án xây dựng khu nhà ở Xuân Đỉnh của Công ty cổ phần thi công cơ giới xây lắp.

Hay dự án xây dựng nhà máy sản xuất bao bì của Công ty cổ phần Hóa chất Trường An; dự án văn phòng và trung tâm giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ dệt may; dự án khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; dự án quản lý, kinh doanh khai thác chợ Kim Liên của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú-Invest; dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Công ty cổ phần Vicostone; dự án xây dựng khu biệt thự kinh doanh du lịch của Công ty cổ phần Du lịch thương mại Cổ Loa…

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu 4 chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Hà, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng công trình văn hóa Thăng Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Đông và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Trang chấm dứt ngay hành vi tự ý cho thuê bằng quyền sử dụng đất đối với đất không đủ điều kiện; đồng thời sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích được giao tại các dự án đã được thành phố giao đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.