Sau khi Hà Nội đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác nhu cầu gửi xe tại các nhà ga của tuyến đường sắt này trở nên cấp thiết.
Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận có ga đường sắt bố trí điểm trông giữ xe hợp lý cho người dân. Đến nay, cơ bản các quận đã bố trí đủ các điểm gửi xe. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, một số điểm trông giữ xe lại lợi dụng thu phí "chặt chém" người gửi xe.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương và Công ty Metro Hà Nội tập trung kiểm tra, xử lý những vấn đề nóng phát sinh, đặc biệt là tình trạng lợi dụng đông người đến trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông để thu giá vé trông giữ xe quá mức quy định.
Hiện tại khu vực ga Cát Linh (bán kính 300m) hiện đang bố trí 2 bãi đỗ xe có thu phí để phục vụ khách đi tàu; trong đó bãi trông giữ xe máy bố trí ngay trên một đoạn vỉa hè phố Hào Nam phía trước ga Cát Linh. Còn bãi trông giữ cả ôtô và xe máy tại ngõ 168 phố Hào Nam. Cả 2 bãi được vận hành bởi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ khai thác ôtô Ngọc Quang.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, khi gửi xe tại 2 bãi này người gửi xe bị thu giá vé cao gấp đôi quy định, có khi khách phải trả mức vé của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ khai thác ôtô Ngọc Quang là 10.000 đồng/xe máy và 50.000 đồng/xe ôtô.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, chiều 23/11 vừa qua, đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đã kiểm tra, làm rõ việc trông giữ phương tiện của công ty.
Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù được quận Đống Đa giao là đơn vị tổ chức trông giữ xe nhưng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ khai thác ôtô Ngọc Quang chưa hoàn thiện thủ tục để được Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa cấp phép trông xe. Bãi trông giữ xe tại ngõ 168 Hào Nam hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, tổ chức trông giữ phương tiện.
[Được cầm lái tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một niềm vui sướng]
Đại diện đoàn kiểm tra đã yêu cầu, chậm nhất sáng 24/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ khai thác ôtô Ngọc Quang phải có giải trình với đại diện Ủy ban Nhân dân quận về nội dung trên. Nếu công ty không khắc phục các tồn tại; trong đó có giấy phép hoạt động, đại diện Ủy ban Nhân dân quận sẽ họp để có phương án thay thế việc trông xe tại đây bằng đơn vị đáp ứng được các yêu cầu của quận.
Trong chiều 24/11, liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, Công ty Metro Hà Nội và Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa đã họp để đánh giá, đồng thời cấp phép các điểm trông giữ phương tiện cho người dân ở khu vực ga Cát Linh.
Trong sáng 25/11, khi đi trải nghiệm tuyến đường sắt này, tại khu vực vành đai 3, tại hầm trông giữ xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thêu Việt cách ga vành đai 3 khoảng 200m vẫn còn khá nhiều chỗ, khách gửi xe máy chỉ phải trả 5.000 đồng/lượt gửi. Trong khi đó tại điểm gửi trong ngõ giáp bên phải ga Cát Linh giá trông giữ là 10.000 đồng/lượt. Khi khách thắc mắc thì cô nhân viên trả lời "nếu giá đó thì đưa ra hồ gửi!."
Ngoài tình trạng thu giá vé trông giữ xe tùy tiện nêu trên, người dân còn phản ánh việc dưới chân điểm ga, các hàng quán đua nhau mọc lên lộn xộn, nhếch nhác, ảnh hưởng không nhỏ tới vệ sinh môi trường cũng như mỹ quan thành phố.
Theo Công ty Hà Nội Metro, sau 4 ngày khai thác thương mại, từ 21-25/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được tổng số 66.360 lượt khách, đảm bảo theo chỉ tiêu về chuyến lượt, an toàn vận hành và phòng, chống dịch COVID-19. Ngày cao điểm vận hành thương mại, tàu đã chở được 29.334 lượt khách.
Để phát huy hiệu quả tuyến đường sát Cát Linh-Hà Đông, thời gian tới, chính quyền cơ sở và ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát các điểm trông giữ xe cũng như giữ gìn trật tự vệ sinh trong các nhà ga và khu vực xung quanh, xây dựng hình ảnh văn minh đô thị, tránh gây phiền hà, bức xúc cho người dân./.