Thành phố quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đồng thời tiếp tục cho phép các quán bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại bình thường từ 0 giờ ngày 23/3.
Tuy nhiên, người sử dụng dịch vụ bắt buộc phải khai báo y tế, QR code, cài ứng dụng Bluezone... trong trường hợp cửa hàng dịch vụ thực hiện không nghiêm túc, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các đơn vị đóng cửa.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố Hà Nội tổ chức chiều 22/3.
Bảo đảm an toàn khi tiêm vaccine
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội từ ngày 16/2 đến nay (tức là 35 ngày), trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng.
[Hà Nội: Quán game, xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại từ 0 giờ 16/3]
Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát, song nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao, nhất là tại khu vực biên giới; vẫn còn các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập.
Vì vậy, thực hiện Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, trong tuần qua, ngành y tế đã chủ động bám sát lộ trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19 của Bộ Y tế để kịp thời triển khai trên địa bàn thành phố.
"Từ ngày 15-22/3/2021, Sở Y tế đã tổ chức tiêm cho 6.063 nhân viên y tế, cộng dồn đã tiêm cho 6.251 người. Hiện tại, các trường hợp này sức khỏe đều bình thường. Dự kiến, trong tuần này sẽ triển khai tiếp cho các đơn vị còn lại theo kế hoạch của đợt 1," ông Hoàng Đức Hạnh cho hay.
Tại cuộc họp, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC), cho biết cơ bản hoạt động tiêm phòng thực hiện an toàn. Ngoài ra, CDC Hà Nội cũng đang nghiên cứu để có báo cáo về việc triển khai hộ chiếu vaccine.
Liên quan đến việc triển khai tiêm chủng vaccine, đại diện huyện Ba Vì cho biết trong đợt 1, cơ quan chức năng của huyện đã tiêm cho 266 trường hợp đúng quy trình, bảo đảm an toàn khi tiêm.
Cùng đó, địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học và các cơ sở di tích, tôn giáo.
Về việc bảo đảm an toàn tại các khu di tích sau khi mở cửa trở lại, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết đơn vị đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các di tích trọng điểm, trong đó có chùa Hương, phủ Tây Hồ. Kết quả ghi nhận hầu hết các điểm đều bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Để bảo đảm tiêm chủng vaccine COVID-19 được an toàn, bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về tiêm chủng và cập nhật phản ứng sau tiêm để đáp ứng kịp thời các tình huống xảy ra đồng thời tổ chức lấy mẫu giám sát ngoài cộng đồng để chủ động phát hiện người dân từ những vùng có nguy cơ cao.
“Tình hình dịch tuy đã được kiểm soát nhưng người dân vẫn không nên chủ quan. Sở Y tế tiếp tục tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp "5K",” Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nói.
Siết chặt kiểm soát dịch bệnh
Đánh giá tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh thời gian qua thành phố đã linh hoạt nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để tập trung phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
Tuy vậy, nguy cơ về lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Hà Nội vẫn rất cao. Do đó, ông Chử Xuân Dũng đề nghị cùng với việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các cơ quan chức năng phải siết chặt việc kiểm soát dịch bệnh, đề cao cảnh giác, không được phép chủ quan, lơ là.
Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương cần phải đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội. Các đơn vị, địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái "bình thường mới," bảo đảm phát triển kinh tế và vẫn phải coi việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 là yếu tố quan trọng cần được đặt lên hàng đầu.
Cụ thể, ông Dũng lưu ý các đơn vị tăng cường kiểm tra, quản lý việc phòng, chống dịch tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp chế xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ nhưng phổ thông nhất như tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch theo "thông điệp 5K;" trong đó đặc biệt chú trọng việc đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn tay, hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết…
Ông Dũng yêu cầu Sở Y tế tiếp tục xây dựng kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống như chuẩn bị trang thiết bị cơ sở vật chất, các nhu cầu thiết yếu trong phòng, chống dịch.
“Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có phương án lùi lịch thi tốt nghiệp, trong trường hợp lùi lịch thi, cần chủ động lùi thời gian tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh đầu cấp để thuận tiện cho người dân và học sinh trên địa bàn thành phố,” Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh./.