Lễ hội đầu năm mùa COVID-19: Cần phân luồng du khách để phòng dịch

Lễ hội đầu năm mùa COVID: Làm gì để giữ an toàn cho mình và cộng đồng?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu cho hay trong những lễ hội có quá đông người, nếu trong số đông đó có người nhiễm COVID-19 sẽ dễ lây nhiễm với số ca trong cộng đồng rất lớn và rất khó truy vết nhanh...
Lễ hội đầu năm mùa COVID: Làm gì để giữ an toàn cho mình và cộng đồng? ảnh 1Du khách đến dâng lễ tại động Hương Tích tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng dịch. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Với người Việt, việc đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp mỗi độ Xuân về. Tuy nhiên, trong mùa lễ hội 2021, người dân đến các lễ hội cần cảnh giác cao độ trong trạng thái “bình thường mới” bởi dịch bệnh COVID-19 không thể lường trước được.

“Biển người” đi lễ

Nếu như mọi năm, hoạt động đi lễ các đền, chùa, khu di tích diễn ra chủ yếu vào tháng Giêng (Âm lịch) thì năm nay nhu cầu này bị “kìm nén” bởi dịch bệnh.

Khi dịch bệnh COVID-19 từng bước được khống chế, vào đầu tháng Ba, các địa phương đã cho nhiều di tích mở cửa trở lại đón khách. Tỉnh Quảng Ninh cho phép di tích mở cửa từ ngày 2/3; tại Hà Nội, Bắc Ninh từ ngày 8/3…

[Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 36 giờ qua]

Thời điểm mở cửa di tích lại trùng vào những ngày nghỉ cuối tuần, khiến người dân đổ xô đi lễ cầu may. Điển hình như số lượng người dân đi lễ đầu xuân đổ về chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam) tăng đột biến, Phủ Tây Hồ (Hà Nội) cũng chứng kiến hàng nghìn người đi lễ. Trong đó, chùa Hương đón khoảng hơn 40.000 lượt người, chùa Tam Chúc khoảng 70.000 lượt khách; riêng ngày chủ nhật (14/3), chùa Tam Chúc đón 50.000 lượt khách...

Tại nhiều điểm lễ hội, ban quản lý xác định tinh thần sống chung với dịch nên đã tổ chức lại một số khâu trong công tác đón tiếp du khách, tăng cường lực lượng y tế để kiểm tra cho toàn bộ du khách thông qua việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay nhanh và quét mã QR-Code đồng thời yêu cầu 100% du khách phải đeo khẩu trang trước khi vào di tích. Cùng lúc, một lượng lớn các chốt kiểm soát tại các địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội được thành lập để nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch.

Lễ hội đầu năm mùa COVID: Làm gì để giữ an toàn cho mình và cộng đồng? ảnh 2Du khách nhộn nhịp đi tham quan, lễ chùa Hương trong ngày đầu mở cửa trở lại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Tuy nhiên, tại nhiều địa điểm lễ hội, sau khi qua “cửa” khai báo, cảnh tượng “biển người” chen chúc đi lễ đầu năm khiến nhiều người không khỏi giật mình. Bởi như trong tình huống tại chùa Tam Chúc, công tác phòng chống dịch vẫn được triển khai ở đầu vào, tuy nhiên sau khi du khách qua cửa y tế, thì cảnh tượng chen chúc lập tức xuất hiện, khó có thể đảm bảo được công tác phòng chống dịch.

Rõ ràng, tình trạng chen chúc xảy ra tại chùa Tam Chúc khiến yêu cầu “giữ khoảng cách” không thể thực hiện. Đặc biệt, tại những di tích trên, do tập trung đông người, không khí ngột ngạt, nhiều người đã bỏ khẩu trang hay đeo khẩu trang kiểu đối phó.

Thường trực nguy cơ COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 22/3, trên thế giới có tổng cộng hơn 123 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 2,7 triệu người đã tử vong.

Nhận định đưa ra từ Bộ Y tế cho thấy đến thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tuy nhiên diễn biến khó lường bởi dịch trên thế giới còn phức tạp. Việc một số địa phương tổ chức các sự kiện lễ hội khi xảy ra tình trạng tập trung quá đông người nhưng không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Lễ hội đầu năm mùa COVID: Làm gì để giữ an toàn cho mình và cộng đồng? ảnh 3Phos giáo sư Trần Đắc Phu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn Cao cấp, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích đi lễ đầu năm cầu bình an, may mắn được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp, nguy cơ xâm nhập nước ta luôn hiện hữu thì việc đi lễ hội năm nay không thể như thường lệ, mà phải thực hiện theo bình thường mới.

Theo ông Phu, trong những lễ hội có quá đông người, nếu trong số đông đó có người nhiễm COVID-19 sẽ dễ lây nhiễm với số ca trong cộng đồng rất lớn và rất khó truy vết nhanh. Thậm chí nhiều người mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng, lẩn khuất trong cộng đồng, khó phát hiện, dẫn đến công tác phòng chống dịch bệnh sẽ thêm khó khăn.

Do đó, phó giáo sư Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân khi đi lễ trong điều kiện bình thường mới cần nâng cao cảnh giác hơn. Càng chỗ đông người càng cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Về phía chính quyền, Ban quản lý lễ hội, khu du lịch tâm linh... cần phát loa thông tin và phân công nhân lực nhắc nhở để người dân tuân thủ đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách... đồng thời bố trí các điểm rửa tay, sát khuẩn tay để thực hiện phòng chống dịch. Các điểm đến này cũng cần có giải pháp phân luồng tiếp nhận du khách theo số lượng nhất định, hoặc áp dụng cầu nguyện online để đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Mùa lễ hội còn kéo dài, dù có tổ chức lễ hội hay không thì các di tích lớn, như: Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương, phủ Tây Hồ (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay Tam Chúc, Phủ Giầy (Hà Nam)… vẫn có nhiều người đến chiêm bái.

Lễ hội đầu năm mùa COVID: Làm gì để giữ an toàn cho mình và cộng đồng? ảnh 4 Nhân viên y tế đo kiểm tra thân nhiệt cho du khách khi đến khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Do đó, các địa phương khi tổ chức các sự kiện đông người cần yêu cầu mọi người tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt công tác tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân, tuân thủ biện pháp 5K nhằm tiếp tục bảo vệ và duy trì thành quả chống dịch mà Việt Nam đã đạt được đến nay.

Ở các điểm lễ hội, thay vì cùng lúc đón một lượng khách lớn đổ tới, cần có giải pháp để phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm sao cho bảo đảm tốt nhất các nguyên tắc phòng dịch…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục