Ngày 15/5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu ngành y tế, các quận, huyện và các ngành liên quan cần triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, tiếp tục tổ chức tiêm chủng phòng chống bệnh sởi, thủy đậu; triển khai vệ sinh môi trường phòng chống bệnh sốt xuất huyết... kiên quyết không được để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” trong mùa Hè.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, nhờ sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế và các quận, huyện, tình hình dịch sởi ở Hà Nội đã giảm cả số người mắc và tử vong…
Các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng giảm so với cùng kỳ, riêng bệnh thủy đậu tăng 37% với tổng số 1.159 người mắc, tập trung nhiều ở các quận, huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Thạch Thất.
Lũy tích từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.614 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 390/584 xã, phường của 30/30 quận, huyện trên địa bàn toàn thành phố. Bệnh sởi đang có xu hướng giảm dần, 372/390 xã, phường đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sởi mắc mới. Hà Nội có 63 trường hợp tử vong do sởi; trong đó, có 14 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi; từ ngày 2/5 đến nay, không có bệnh nhân sởi tử vong.
Liên quan đến việc tổ chức tiêm vắcxin phòng sởi và một số bệnh khác, ông Hạnh khẳng định Hà Nội không thiếu vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, tại các điểm tiêm vắcxin dịch vụ của tư nhân cũng như Trung tâm Y tế còn có lúc thiếu vắcxin do nhập chưa kịp hoặc phải qua các thủ tục, nhiều điểm tiêm vắcxin quá đông nên xảy ra tình trạng quá tải.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, theo chu kỳ, năm nay, dịch sốt xuất huyết có thể quay trở lại, đặc biệt tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải như hiện nay. Những xã, phường trọng điểm phải chủ động thu gom phế thải, cần thiết phải phun hóa chất trên diện rộng để phòng ngừa nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong mùa Hè, khống chế bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành y tế chủ trì và hướng dẫn quận, huyện triển khai vệ sinh môi trường; giám sát và nắm bắt tình hình dịch bệnh ở quận, huyện; hướng dẫn các trường triển khai biện pháp vệ sinh trường học phòng bệnh cho học sinh; soạn thảo tài liệu tuyên truyền bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu…gửi đến từng gia đình; chuẩn bị vắcxin phục vụ tiêm chủng, mở thêm các điểm tiêm, tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh đưa con đi tiêm.
Các quận, huyện phải xem nhiệm vụ phòng chống các dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng… như đối với bệnh sởi; tổ chức tuyên truyền, nắm bắt đối tượng, tìm nguyên nhân để có giải pháp chỉ đạo ngay từ cơ sở. Các quận, huyện phối hợp ngành y tế tổ chức vệ sinh môi trường, đôn đốc trường học vệ sinh môi trường; các sở ngành liên quan phối hợp thực hiện hỗ trợ đáp ứng công tác phòng chống dịch.
Đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Chủ tịch đề nghị, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền kết hợp thanh tra, kiểm tra, đặc biệt các quận nội thành triển khai mạnh mẽ kiểm tra thức ăn đường phố, kiểm tra cấp giấy chứng nhận, lưu ý đối tượng bán hàng rong. Gắn hoạt động này với chủ đề Năm trật tự văn minh đô thị, các ngành chức năng đổi mới cách kiểm tra, tránh hình thức, phát hiện vi phạm để chấn chỉnh, ngăn chặn xảy ra các vụ ngộ độc lớn và dịch bệnh mùa hè.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, để đạt mục tiêu 95% số trẻ từ 2 đến 10 tuổi được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi, Sở Y tế sẽ mời các quận, huyện họp rút kinh nghiệm triển khai bố trí thêm bàn tiêm, kéo dài thời gian tiêm, tổ chức tiêm cả thứ bảy và chủ nhật để thuận lợi nhất cho người dân đi tiêm, đến ngày 20/5 phải đạt tỷ lệ trên 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm vắcxin sởi./.