Chiều 8/3, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, bệnh ho gà trong hai tháng gần đây có sự gia tăng do thời điểm mùa Đông Xuân lạnh và ẩm nên số lượng ca mắc ho gà xuất hiện nhiều.
[Các biểu hiện của người mắc bệnh ho gà như thế nào]
Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương gửi về Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay tại bệnh viện đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Các bệnh nhân mắc bệnh rải rác ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam.
Đáng lưu ý, số ca mắc bệnh ho gà nhiều nhất là Hà Nội (với 10 trường hợp), tiếp sau đó là Nam Định (5 trường hợp).
Tính đến chiều 8/3, đã có 5 trường hợp tử vong do mắc ho gà. Các trường hợp tử vong gồm: 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định, 1 trường ở Cao Bằng, có 2 trường hợp xin về ở Nam Định và Nghệ An.
Ông Phu lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ho gà đều là trẻ em dưới ba tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 80%). Đây là các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm một mũi vắcxin phòng bệnh ho gà.
Theo các bác sỹ điều trị, đặc biệt, đối với những trẻ dưới 1 tháng tuổi, nếu mắc ho gà thì thường tiến triển bệnh nặng rất nhanh và tỷ lệ tử vong lên đến gần 90%.
Bên cạnh đó, ho gà thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1 đến 2 tuần nên rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Để phòng bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Người bệnh khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc ho gà, đối với trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.