Hà Nội: Công bố quy hoạch phân khu đô thị Đông vành đai 4

Phân khu đô thị S5 (Hà Nội) nằm trong chuỗi đô thị phía Nam của đô thị lõi trung tâm, có tổng diện tích đất nghiên cứu là 3.195,2ha.

Chiều 14/5, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với hai huyện Thanh Trì, Thường Tín và quận Hoàng Mai, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu đô thị S5, tỷ lệ 1/5000.

Phân khu đô thị S5 nằm trong chuỗi đô thị phía Nam của đô thị lõi trung tâm, có tổng diện tích đất nghiên cứu là 3.195,2ha với mục tiêu hình thành mới hệ thống trung tâm đô thị khu vực gắn kết với nhau và với đô thị trung tâm qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nội đô và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

Phân khu đô thị S5 thuộc địa giới hành chính phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; thị trấn Văn Điển, các xã Tứ Hiệp, Tam Điệp, Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp và Liên Ninh, huyện Thanh Trì; các xã Khánh Hà, Nhị Khê và Duyên Thái, huyện Thường Tín.

S5 cận kề các vành đai 3,5, vành đai 4, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A và giáp các vùng cây xanh mặt nước, vành đai xanh.

Trong đó, tuyến đường vành đai 3,5, tuyến kết nối một số phân khu đô thị, sẽ đóng góp quan trọng cho cảnh quan đô thị và không gian của thành phố.

Quy mô dân số tính toán đến năm 2030 của phân khu đô thị S5 là 206.728 người; con số này sẽ tăng lên 246.728 người vào năm 2050. Trong tổng số 3.195,2ha nghiên cứu quy hoạch có 2.822,5ha đất xây dựng dân dụng, trong đó chỉ tiêu đất đơn vị ở đạt 30-35m2/người.

Trên cơ sở hiện trạng và dự báo nhu cầu phát triển, phân khu S5 được chia thành 4 khu quy hoạch, tương đương một khu dân cư đô thị. Các khu quy hoạch được phân chia thành 12 ô quy hoạch, tương đương các khu nhà ở.

Do phân khu đô thị nằm trong khu vực phát triển đợt đầu của thành phố, đặc biệt là tổ hợp công trình ga đường sắt quốc gia Ngọc Hồi là động lực thúc đẩy phát triển giao thông, kinh tế cũng như văn hóa xã hội của thủ đô Hà Nội, nên phần lớn quỹ đất thuộc phân khu sẽ nằm trong quy hoạch xây dựng đợt đầu.

Khu vực được phát triển ở giai đoạn sau có khu vực phía tây đường liên khu vực Vĩnh Quỳnh-Đại Áng, khu vực phía nam phạm vi nghiên cứu thuộc địa bàn xã Khánh Hà, Nhị Khê và Duyên Thái.

Về không gian quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch được duyệt xác định phát triển các khu chức năng đô thị hỗn hợp dọc hành lang Quốc lộ 1A, đường Phan Trọng Tuệ với hình thức phát triển nhà ở tập trung, các dịch vụ công cộng khu đô thị, dịch vụ công cộng cấp thành phố như trung tâm y tế, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…

Cùng mục tiêu phát triển, quy hoạch xác định mục tiêu bảo tồn các công trình lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống và môi trường văn hóa sinh thái, cây xanh mặt nước, đặc biệt là cụm di tích Ngọc Hồi.

Tại các điểm giao cắt giữa các đường vành đai 3,5 và Quốc lộ 1A với đường Phan Trọng Tuệ bố trí các trung tâm đa chức năng cao tầng với kiến trúc hiện đại, thiết lập cửa ngõ phía nam thành phố trên đường vành đai 4 và Quốc lộ 1A.

Các chương trình phát triển cũng được xác định tại quy hoạch, theo đó sẽ xây dựng trục trung tâm thương mại, tài chính du lịch mua sắm tại phía đông và phía tây ga Ngọc Hồi, được kết nối với nhau bằng không gian ngầm.

Nghĩa trang Văn Điển với quy mô 18ha sẽ được đóng cửa và cải tạo thành công viên nghĩa trang. Thành phố cũng ưu tiên cải tạo tuyến đường 70, vành đai 3,5; nghiên cứu xây dựng tuyến đường vành đai 4; mở rộng đường 1A, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn, việc bàn giao quy hoạch phân khu đô thị S5, tỷ lệ 1/5000 là nội dung hết sức quan trọng trong việc quản lý quy hoạch của quận, huyện. Thời gian tới, với quy hoạch này, các quận, huyện sẽ cụ thể hóa các quy hoạch phân khu đô thị và tổ chức thực hiện.

Để triển khai cụ thể hóa chi tiết quy hoạch trên địa bàn, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức cắm mốc giới theo quy hoạch, đảm bảo tiến độ, chỉ đạo Sở Quy hoạch sớm hoàn thành quy hoạch phân khu còn lại trên địa bàn trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt; các đơn vị thuộc quy hoạch phân khu tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện theo quy hoạch.

Trên cơ sở quy hoạch này, Ủy ban Nhân dân các xã, phường thực hiện quản lý theo quy hoạch phân khu và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm rõ để đề án đi vào cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.