Là hai trục đường hướng tâm lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn, mặc dù phương tiện vận tải công cộng xe buýt, buýt nhanh BRT dày đặc nhưng hai tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi ở Hà Nội vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Tại trục đường Trần Phú-Nguyễn Trãi sau khi công trình đường sắt Cát Linh- Hà Đông hoàn thành, rào chắn được dỡ bỏ, mặt đường được cải tạo thông thoáng hơn nhưng tình trạng ùn tắc giao thông không những không giảm mà có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, nhất là vào các giờ cao điểm.
Trục đường Tố Hữu-Lê Văn Lương mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng rất đông vào các giờ cao điểm, phương tiện lấn vào làn buýt nhanh BRT tạo ra cảnh hỗn độn, phương di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia giao thông, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên hai trục Trần Phú-Nguyễn Trãi và Tố Hữu-Lê Văn Lương là tổ chức giao thông còn chưa hợp lý gây ra nhiều điểm xung đột giao thông như các điểm mở quay đầu từ Khuất Duy Tiến đến đường Láng, đặc biệt điểm mở quay đầu đoạn trước cổng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trên đường Nguyễn Trãi, nút giao lệch Vũ Trọng Khánh-Nguyễn Khuyến-Trần Phú (quận Hà Đông).
[Hé lộ nhà thầu thi công xây dựng hầm chui Lê Văn Lương-vành đai 3]
Tại gầm cầu vượt Ngã Tư Sở có 2 điểm mở để phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Trãi và phố Tây Sơn quay đầu trước nút giao. Các phương tiện khi đi qua các điểm quay đầu xe này buộc phải đi theo 1 chiều.
Tuy nhiên, nhiều người dân điều khiển xe máy, xe đạp, thậm chí cả xe ba gác bất chấp biển cấm và nguy hiểm vẫn đi ngược chiều để không phải chờ đèn đỏ. Còn trục đường Tố Hữu-Lê Văn Lương cũng tồn tại nút “cổ chai” tại lối lên cầu vượt đường Láng.
Để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông tại hai trục đường trọng yếu này, theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu và dự kiến sẽ thí điểm cấm xe máy tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi-Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh-Hà Đông) đi vào hoạt động.
Nhưng trước mắt, theo ý kiến của các chuyên gia, ngành chức năng cần nghiên cứu đóng bớt các điểm mở quay đầu bất hợp lý trên tuyến Trần Phú-Nguyễn Trãi, tính toán lại tổ chức lại các hướng lưu thông qua Ngã Tư Sở.
Còn đối với trục Tố Hữu-Lê Văn Lương, ngày 2/10 tới thành phố sẽ khởi công xây dựng hầm chui bên dưới nút giao với đường Khuất Duy Tiến.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Văn Duân, hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 được xây dựng tại nút giao Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến-Tố Hữu có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu hầm là 475m.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 698 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng trên 532 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách thành phố.
Dự án được kỳ vọng, sau khi hoàn thành sẽ giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến-Tố Hữu, từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch.
Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng hầm, để tránh xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực này, ngành chức năng cần nghiên cứu có phương án tổ chức lại giao thông hợp lý để giảm bớt áp lực giao thông tại đây, nếu không tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trầm trọng hơn./.