Như VietnamPlus đã thông tin, kể từ 6 giờ ngày 24/7, Thủ đô Hà Nội sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong vòng 15 ngày để phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Chỉ thị số 17 do Chủ tịch Chu Ngọc Anh ký tối ngày 23/7, yêu cầu kích hoạt một loạt các biện pháp đảm bảo cho công tác phòng chống dịch của Hà Nội.
Đảm bảo không lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với lực lượng y tế tiếp tục quản lý các khu các khu cách ly tập trung trên địa bàn, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, thực hiện giãn mật độ cách ly phù hợp, không để lây chéo dịch bệnh trong khu cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
[Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 6h sáng 24/7]
Đơn vị này cũng phối hợp với các đơn vị thành lập và bố trí trang thiết bị đáp ứng hoạt động các khu cách ly tập trung của thành phố, đảm bảo khả năng cách ly 50.000 người; tổ chức và chỉ đạo lực lượng quân đội tham gia công tác phòng chống dịch theo yêu cầu và phối hợp với Binh chủng hóa học thực hiện phun khử khuẩn khi cần thiết.
Chỉ thị 17 yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng kích hoạt phương án mở rộng cơ sở cách ly tập trung F1 và đối tượng khác theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đảm bảo đáp ứng xét nghiệm, điều trị các cấp độ trong mọi tình huống
Chỉ thị 17 yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở Giao thông và UBND các địa bàn khẩn trương rà soát, xác minh triệt để những người đã đi về từ vùng dịch, người tiếp xúc gần với người bệnh, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần và những trường hợp liên quan khác để thực hiện cách ly y tế, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm theo quy định.
Sở Y tế tổ chức điều tra dịch tễ, xét nghiệm lấy mẫu trong thời gian ngắn nhất để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Chỉ đạo, phân luồng, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Yêu cầu Sở Y tế bố trí đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, sẵn sàng triển khai xét nghiệm trên diện rộng; phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bộ ngành trên địa bàn Thành phố để nâng công suất xét nghiệm theo các cấp độ đáp ứng trong mọi tình huống.
Có phương án thiết lập các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng song song phương án phân công bệnh viện tiếp nhận điều trị đối với bệnh nhân nặng.
Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, điều chỉnh và triển khai công tác tiêm vắc xin đảm bảo theo kế hoạch phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.
Lực lượng công an thành phố duy trì các chốt kiểm soát, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 17
Chỉ thị 17 của Hà Nội nêu rõ" Công an Thành phố phải chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải duy trì các chốt kiểm soát để giám sát: người, phương tiện từ các tỉnh vào Hà Nội; việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của người dân theo đúng nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công an quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn triển khai các giải pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thành phố; phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn.
Tăng cường chỉ đạo việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các trại tạm giam do Công an quản lý.
Đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và có phương án dự trữ
Trong khi đó, Sở Công Thương phải chủ trì triển khai công tác đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; có phương án dự trữ trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Sở này cũng phải phối hợp với các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.
“Sở Công Thương phải công khai danh sách các cơ sở cung ứng hàng hóa, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh lưu động (khi đưa vào sử dụng) bán các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh,” Chỉ thị 17 nêu rõ.
Đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện trả lương hưu một lần 2 tháng 8,9/21
UBND Hà Nội yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố phải đảm bảo an sinh xã hội đối với đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động mất việc làm không có bảo hiểm thất nghiệp theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố đảm bảo chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Chỉ đạo nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, trung tâm điều dưỡng người có công.
Đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng yếu thế không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm. Chỉ đạo tổ chức chi trả lương hưu một lần cho 2 tháng (tháng 8, 9 năm 2021) và tổ chức trả lương qua thẻ ATM, trả lương tại nhà.
Yêu cầu Sở Tài chính tham mưu đề xuất đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo yêu cầu./.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 666 trường hợp dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 415 trường hợp, số mắc là đối tượng đã được cách ly tập trung là 251 trường hợp. Thống kê số lượng mắc COVID-19 tại các chùm ca bệnh tại Hà Nội: |