Hà Nội: Hàng trăm dự án nhà ở còn vướng mắc do sai phạm về quy hoạch

Theo nội dung tại phiên họp do HĐND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14/6, trên địa bàn Thủ đô còn 206 dự án nhà ở có vướng mắc do sai phạm về quy hoạch, tự ý chuyển đổi công năng, nghĩa vụ tài chính.

Đường Vành đai 3 trên cao đoạn qua Khu Đô thị Linh Đàm (Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Đường Vành đai 3 trên cao đoạn qua Khu Đô thị Linh Đàm (Hà Nội). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hiện thành phố Hà Nội còn 206 dự án nhà ở (khoảng 62.000 căn hộ) có vướng mắc do sai phạm về quy hoạch, tự ý chuyển đổi công năng, nghĩa vụ tài chính…

Đây là nội dung được ghi nhận tại phiên họp giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội do Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14/6.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết thành phố đã có chỉ đạo thực hiện song song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cùng với xử lý vi phạm của chủ đầu tư.

Hiện Sở đã báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ xây đúng quy hoạch, còn 29.000 căn hộ xây dựng vi phạm quy hoạch đang chờ xử lý.

Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga nêu kiến nghị của các hộ dân nhà chung cư G4 phường Trung Hòa (Cầu Giấy), chung cư CT6 và 16B Nguyễn Thái Học (Quận Hà Đông), khu nhà HH Linh Đàm (Hoàng Mai) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi của người dân khi chủ đầu tư vi phạm.

Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga đặt vấn đề, chủ đầu tư vi phạm đã có kết quả thanh tra, kiểm tra nhưng khi các chủ đầu tư không có khả năng thực hiện kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ làm gì để trả lời, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri?

Theo Trưởng ban Kinh tế, Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc do Tổng công ty cổ phần Vinaconex là chủ đầu tư vẫn nợ dân tiền giải phóng mặt bằng. Vấn đề là tiền tạm ứng bao giờ mới giải quyết xong?

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm rõ, đối với nội dung nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc. Thanh tra Chính phủ cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo về việc cho phép tồn tại hay không, xử phạt thế nào với các công trình vi phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ bám sát Thanh tra Chính phủ để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri.

Với kiến nghị liên quan đến dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc, theo ông Lê Thanh Nam, một số hộ bàn giao đất nhưng phương án có sai nên các cơ quan chức năng phải xem xét lại.

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm có kết luận và sở sẽ bám sát các cơ quan chức năng để tháo gỡ những tồn đọng.

ha noi_hoai duc.jpg
Các khu nhà ở nằm dọc Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tại quận Hoàng Mai, cử tri đề nghị thành phố xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án. Giá bồi thường đất nông nghiệp hiện là 252.000 đồng/m2 chưa phù hợp với thực tế, chưa đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời, nêu rõ hiện nay, giá đất nông nghiệp trồng lúa nước, trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn các quận, huyện được căn cứ theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 và số 20/2023/QĐ-UBND ngày 7/9/2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/01/2020 đến ngày 31/12/2024.

Căn cứ quy định Luật Đất đai 2013, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ, giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giá đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố được khảo sát, điều tra và xây dựng quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 trên cơ sở đánh giá các yếu tố tác động đến giá đất của đơn vị tư vấn độc lập, báo cáo đề xuất của Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai đã được các cơ quan xem xét thông qua theo quy định.

Đồng thời, giá đất nông nghiệp trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện nay đã cao hơn mặt bằng chung so với các địa phương tiếp giáp thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của cử tri, đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai rà soát, điều tra, khảo sát, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, báo cáo và đề xuất để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất thành phố trong thời gian xây dựng Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

Liên quan đến chính sách giao đất dịch vụ cho một số hộ dân tại xã Phú Thị và xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) do bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, ngày 11/1, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 176/STNMT-QHKHSDĐ hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm về việc chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao trên địa bàn xã Phú Thị, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.

ha noi_ngoai thanh.jpg
Một khu vực ngoại thành phía Tây Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức kiểm tra, rà soát nguồn gốc, quá trình sử dụng, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và điều kiện được hưởng chính sách chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức giao đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với ba hộ gia đình theo thẩm quyền.

Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, rà soát đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra khiếu kiện trên địa bàn. Hiện nội dung nêu trên đã được giải quyết.

Đối với kiến nghị của cử tri đề nghị thành phố chỉ đạo, giải quyết dứt điểm việc lò đốt rác thải công nghiệp của tư nhân thuộc xã Vân Côn, huyện Hoài Đức gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân các xã vùng phụ cận thuộc huyện Quốc Oai, ngày 18/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 6347/STNMT-QLCTR đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức kiểm tra, xử lý các hộ sản xuất tái chế nhựa nilong và đốt lò hơi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức, tại khu vực Cầu Gồ, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn có xảy ra tình trạng người dân xung quanh đốt rác thải lẫn nilong gây mùi và cơ sở giặt là Trần Ngọc Tú có sử dụng vải vụn và củi để đốt lò hơi gây mùi ảnh hưởng đến xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai.

Để giải quyết tình trạng trên, Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức đã có văn bản số 1783/UBND-TNMT ngày 22/8/2023 chỉ đạo các cơ quan liên quan của huyện và Ủy ban Nhân dân xã Vân Côn yêu cầu cơ sở giặt là dừng ngay việc đốt lò hơi có dùng vải vụn; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giặt là; dựng rào chắn, đặt biển cấm tập kết, đốt rác thải tại khu vực Cầu Gồ, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn.

Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định xử phạt số 85/QĐ-XPHC ngày 19/01/2023 đối với hộ kinh doanh giặt là Trần Ngọc Tú và Quyết định xử phạt số 11582/QĐ-XPHC ngày 28/08/2023 đối với hộ kinh doanh giặt mài Phương Nam Jean đối với các hành vi đang hoạt động mà không có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền Ủy ban Nhân dân huyện cấp, với tổng số tiền xử phạt 65 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.