Hà Nội phấn đấu giảm 40% thời gian ùn tắc giao thông

Hà Nội đang đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ giảm thiểu 27 điểm thường ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại.
Hà Nội phấn đấu giảm 40% thời gian ùn tắc giao thông ảnh 1Thi công dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)

Thành phố Hà Nội đang đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ giảm thiểu 27 điểm thường ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại, đồng thời duy trì không để tái phát sinh điểm ùn tắc mới trên địa bàn.

Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư tại một số nút giao thông, một số tuyến đường, nhất là khu vực vành đai 3 trở vào và trên các trục đường hướng tâm.

Cùng với việc từng bước thực hiện theo đúng lộ trình, chỉ tiêu của quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố cũng tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng để thu hút và tạo thói quen sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện giải pháp mạnh để thiết lập kỷ cương trật tự trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông, quản lý vận tải và quản lý các bến, bãi đỗ xe.

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung triển khai các công trình giao thông trọng điểm, nút giao thông Ô Chợ Dừa, đường vành đai 1, vành đại 2, Đường 5 kéo dài và các tuyến đường sắt đô thị, các công trình cầu yếu vượt sông, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh tế địa phương.

Theo thống kê, năm 2008, khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trên địa bàn thành phố có 124 điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Đến tháng 7/2012, sau khi thành phố thực hiện chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, Hà Nội có 89 điểm và đến nay, Hà Nội đã giải quyết được 34 trong số 89 điểm, tương đương trên 38%.

Thành phố đã xây dựng bảy cầu vượt giải quyết một số điểm ùn tắc nghiêm trọng; đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cầu Yến Vĩ vào khu công nghiệp Bắc Thăng Long, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, giảm ùn tắc giao thông dịp lễ hội chùa Hương.

Một số công trình giao thông quan trọng khác cũng đã được hoàn thành như Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng; Cầu Khỉ, cầu Giẽ, đường 16 huyện Sóc Sơn; hoàn thành dứt điểm công trình cầu Am, cầu Trôi, Quốc lộ 32 (Nam Thăng Long-Cầu Diễn)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục