Hà Nội phát động chung tay phòng chống dịch bệnh tay chân miệng

Hà Nội kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể chung tay vệ sinh môi trường, khử khuẩn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tay chân miệng phát triển trong mùa Xuân-Hè nồm ẩm.
Hà Nội phát động chung tay phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ảnh 1Giáo viên trường Mầm non Sơn Ca vệ sinh đồ chơi và đồ dùng học tập của học sinh. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Tại lễ phát động chiến dịch “Vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng” do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức tại Trường Mầm non Sơn Ca, thị xã Sơn Tây sáng 23/3, Sở Y tế Hà Nội đã kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Hiện nay, thời tiết mùa Xuân-Hè là điều kiện thuận lợi để bệnh tay chân miệng phát triển. Trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 221 trường hợp mắc tay chân miệng, phân bố rải rác tại 22/30 quận, huyện, thị xã.

Theo nhận định, thời gian tới tình hình bệnh tay chân miệng có thể diễn biến phức tạp, khả năng phát triển thành dịch và lan rộng trên địa bàn nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời.

Bệnh tay chân miệng đang nổi lên như một vấn đề y tế công cộng bức xúc của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng được ghi nhận từ năm 2003 ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay bệnh đã phát hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố, hàng năm có hàng chục ngàn trường hợp mắc.

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong hai tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 5.105 trường hợp mắc bệnh tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt không để dịch bệnh tay chân miệng bùng phát trên địa bàn, tại lễ phát động, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay “Vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng.”

Phát động chiến dịch, tiến sỹ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đề nghị các cấp, ngành, cơ sở chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; thường xuyên vệ sinh cá nhân; ăn uống hợp vệ sinh và đảm bảo chất dinh dưỡng; làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác…

Đối với các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh tay chân miệng và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục