Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết hơn 10.300 trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Hà Nội đã bị xử phạt trong 8 tháng năm 2020 với tổng tiền phạt trên 31 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng tạm giữ 143 phương tiện, tước giấy phép lái xe hơn 1.200 trường hợp, tước phù hiệu 144 trường hợp và tước tem kiểm định an toàn kiểm định và bảo vệ môi trường 60 xe ôtô tải.
Riêng trong tháng Tám, lực lượng thanh tra giao thông vận tải Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 594 trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải khách; phạt tiền hơn 866 triệu đồng, tạm giữ 6 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 64 trường hợp và tước phù hiệu có thời hạn 30 trường hợp.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 883 trường hợp, phạt tiền gần 3,5 tỷ đồng, tạm giữ 9 phương tiện; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 84 trường hợp và tước tem kiểm định an toàn kiểm định và bảo vệ môi trường 13 xe ôtô tải.
Tình trạng các đơn vị vận tải không thực hiện truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của các ôtô kinh doanh vận tải thuộc quyền quản lý của đơn vị lên hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng diễn ra khá phổ biến.
Trước tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn chấn chỉnh công tác quản lý lái xe, bộ phận quản lý an toàn giao thông và thực hiện nghiêm việc truyền dữ liệu giám sát hành trình.
Các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình phải khẩn trương phối hợp, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải đã ký hợp đồng cung cấp và duy trì dịch vụ thực hiện việc truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lên hệ thống thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dữ liệu giám sát hành trình từ ngày 1-31/7/2020 trên hệ thống dữ liệu thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy có 275 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn thành phố Hà Nội với tổng cộng 365 phương tiện vi phạm về tốc độ. Đặc biệt, có tới hơn 9.200 đơn vị kinh doanh có xe chưa truyền dữ liệu với hơn 54.000 phương tiện chưa truyền dữ liệu.
[Hà Nội nghiên cứu đặt 15 trạm cân ở nhiều tuyến đường trọng điểm]
Ông Cao Văn Hiệp cho biết để chấn chỉnh các vi phạm, thời gian tới, Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì các trạm kiểm tra tải trọng lưu động, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện xe tải hoạt động trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường cửa ngõ Thủ đô.
Đồng thời, lực lượng thanh tra sẽ phối hợp kiểm tra và xử nghiêm các vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ôtô theo hình thức tuyến cố định và hợp đồng trên địa bàn thành phố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông để người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Đối với việc các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện truyền dữ liệu giám sát hành trình, trước đó, trong tháng 6/2020, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm tăng cường giám sát qua thiết bị giám sát hành trình để cảnh báo, kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm lái xe vi phạm.
Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị cần xử lý nghiêm những lái xe cố tình thay đổi các thông số kỹ thuật của phương tiện; vận chuyển hàng hóa quá khối lượng cho phép.
Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa cần phổ biến đến lái xe việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trọng tải của phương tiện lưu thông trên đường; không tổ chức bốc xếp và vận chuyển hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép theo quy định của pháp luật.
Đối với các đơn vị có xe lái vi phạm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định tại Thông tư số 10 của Bộ Giao thông Vận tải và các quy định hiện hành.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được yêu cầu tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho lái xe, chủ xe thông qua công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật.
Ngoài ra, kiên quyết xử lý các vi phạm của lái xe, chủ xe ôtô vận chuyển hàng hóa vi phạm các quy định về tải trọng xe, kích thước thùng xe, để rơi vãi vật liệu rời, nhất là xe chở hàng đường dài, các xe tải tự đổ; các xe quá khổ giới hạn của cầu, đường./.