Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới trên thế giới vẫn ở mức cao. Do vậy, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hà Nội chiều 21/1, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị đặt mức phòng chống COVID-19 ở mức cao hơn.
Nhiều người dân chủ quan với dịch bệnh
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua số ca mắc COVID-19 trên thế giới tiếp tục tăng cao. Riêng 3 tuần đầu tháng 1/2021, thế giới ghi nhận 13,5 triệu ca nhiễm mới (chiếm 14% tổng số mắc từ đầu vụ dịch) và 253.000 ca tử vong (chiếm 12,3%).
[Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn rất đáng lo ngại]
Đáng chú ý, chủng biến thể mới SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ. Biến thể được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, tình hình dịch vẫn được kiểm soát. Hiện đã 51 ngày liên tiếp nước ta chưa ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng. Con số này ở Hà Nội là 157 ngày.
Tuy nhiên, nguy cơ lây bệnh vẫn tiềm ẩn do tình hình nhập cảnh trái phép gia tăng. Tính từ đầu năm 2020 đến ngày 20/1/2021 đã ghi nhận 118 trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố. Các trường hợp này đã được chuyển cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều có kết quả âm tính; có 106/118 trường hợp đã kết thúc cách ly, 12 trường hợp đang được cách ly.
Ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng thời điểm giáp Tết như hiện nay, tình trạng vượt biên trái phép gia tăng. Thậm chí, người nhập cảnh thuê ôtô từ biên giới về Hà Nội. Cộng với nhiều sự kiện, lễ hội sắp diễn ra trong dịp Tết, người dân đi lại vui chơi, mua sắm nhiều khiến nguy cơ lây nhiễm dịch tại cộng đồng càng cao... Qua kiểm tra cho thấy, người dân vẫn chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch.
Một yếu tố nữa được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhắc tới đó là thời tiết mùa Đông cũng là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây truyền bệnh.
"Nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và bùng phát vẫn hiện hữu trên địa bàn thành phố," ông Hạnh nói.
Liên quan đến công tác cách ly người nhập cảnh tại các khách sạn, bà Ngô Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết tính đến thời điểm hiện tại có hơn 20.000 người nhập cảnh được cách ly tại 16/18 khách sạn được thành phố phê duyệt với công suất buồng/phòng đạt 62,7%.
"Thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp với lực lượng chức năng của Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các khách sạn cách ly người nhập cảnh, kịp thời chấn chỉnh tồn tại. Chúng tôi sẽ kiên quyết tạm dừng hoạt động cách ly y tế với khách sạn không thực hiện nghiêm các quy định cách ly người nhập cảnh," bà Ngô Minh Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra, không chỉ một số người dân mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn lơ là trong công tác phòng dịch. Đơn cử như việc một số siêu thị vẫn còn tình trạng không bố trí lực lượng giám sát việc đeo khẩu trang của khách hàng...
“Mặc dù các quận, huyện đều báo cáo kiểm tra việc thực hiện phòng dịch tốt nhưng trong thực tế lại có hiện tượng lơ là phòng dịch. Do đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm,” lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nói.
Ông Hiền đề nghị các quận, huyện, thị xã phải có phương án sẵn sàng thực hiện truy vết "thần tốc" nếu phát hiện có ca mắc, bảo đảm khoanh vùng nhanh nhất, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, ông đề nghị thành phố cần đưa Bệnh viện dã chiến Mê Linh vào hoạt động để bảo đảm cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh F1. Ngoài ra, các bệnh viện phải chủ động lên phương án tổ chức cách ly các trường hợp F1, bảo đảm khu vực cách ly không được gần với bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
"Không giám sát tốt, hậu quả sẽ khôn lường"
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh những nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại thế giới và Việt Nam. Tại Hà Nội, dịch có nguy cơ cao tái bùng phát tại cộng đồng do tình trạng nhập cảnh trái phép; thời tiết mùa Đông; mầm bệnh có thể tồn tại trên hàng hóa nhập khẩu cũng như lưu thông trên thị trường.
Đáng chú ý, công tác phòng, chống dịch tại nơi công cộng như trung tâm thương mại, chợ, điểm vui chơi… còn lơ là, người dân chủ quan, không tuân thủ việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng…
Do vậy, để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, nhất là tại thời điểm cận kề Tết Nguyên đán và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm công điện, chỉ thị, các công văn, kết luận mới nhất của Trung ương và thành phố về phòng chống dịch bệnh.
Ông Dũng lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân; phát động phong trào quần chúng, huy động mặt trận, các đoàn thể tại địa phương tuyên truyền tới từng tổ dân phố, khu dân cư với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để mỗi người dân trên địa bàn là "một chiến sĩ trinh sát" trong phòng chống dịch.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở cách ly tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly người nhập cảnh, bảo đảm cách ly đủ 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần.
"Kết thúc thời gian cách ly, các quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát chặt việc cách ly của người nhập cảnh 14 ngày tại gia đình. Ở giai đoạn này, nếu không quản lý, giám sát tốt, hậu quả sẽ khôn lường," ông Dũng nêu rõ.
Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, ông Dũng giao Sở Y tế tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát; đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh theo tiêu chí "bệnh viện an toàn"…
Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng cũng nhắc nhở các đơn vị tiếp tục quản lý nghiêm các khu cách ly tập trung; các trường hợp cách ly tại nhà; đảm bảo các tiêu chí bệnh viện an toàn; Công an thành phố tăng cường, kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép và các trường hợp liên quan; Sở Công Thương chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại các nhà hàng, siêu thị.../.